Tất cả chuyên mục

Hội chợ, phiên chợ là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, góp phần tích cực vào thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, để các hội chợ, phiên chợ đúng với mục tiêu ban đầu đề ra thì cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa, nhất là đổi mới cách thức tổ chức.
![]() |
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại TX Quảng Yên (từ ngày 1 đến 3-10-2016) luôn thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. |
Bất cập từ thực tế
Các hội chợ, phiên chợ đã tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân. Bởi từ những hội chợ, phiên chợ này, người dân có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm sản phẩm chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Còn với các doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, phiên chợ giúp họ tiếp cận được thị trường. Hiệu quả đã rõ, song thực tế không ít phiên chợ, hội chợ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Đơn cử như Hội chợ thương mại Ba Chẽ năm 2016 (diễn ra từ ngày 17 đến 23-9 vừa qua), hàng hoá bày bán khá đơn điệu, thậm chí còn khiến người dân không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ... Những quầy hàng áo quần, giày dép, túi xách, chăn nỉ... đủ màu sắc, song chủ yếu là hàng không nhãn mác, xuất xứ. Một số cửa hàng thảo dược, nhiều loại thuốc đóng gói thủ công, cũng không nhãn mác, không thành phần, nguồn gốc xuất xứ.
Bà Đào Thị Tú (khu 3, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ) cho biết: Các loại hàng hoá do các doanh nghiệp trong nước sản xuất bây giờ đều có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Do không có điều kiện đi xa, trên địa bàn ít đại lý, siêu thị... nên người dân huyện mong muốn thông qua các kỳ hội chợ, phiên chợ để tiếp cận, mua sắm hàng hoá do các doanh nghiệp trong nước sản xuất bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hầu hết các hội chợ, phiên chợ diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hoá, mẫu mã sản phẩm không phong phú, đa dạng; chất lượng chưa ổn định. Tại một số hội chợ, phiên chợ vẫn còn các gian hàng bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng nước ngoài làm giả, làm nhái.
Bên cạnh việc chạy theo lợi nhuận khiến cho hội chợ, phiên chợ đang đi ngược lại với mục tiêu kích cầu tiêu dùng đã đề ra, thì một nguyên nhân quan trọng khác là chính các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự mặn mà tham gia, nhất là các hội chợ, phiên chợ tổ chức tại các vùng nông thôn, miền núi.
Những cách làm cần được nhân rộng
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, từ ngày 19-9 đến ngày 3-10, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Quảng Ninh) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP Hồ Chí Minh) tổ chức chuỗi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình được tổ chức tại trung tâm các huyện, thị xã: Đầm Hà, Bình Liêu, Quảng Yên, Tiên Yên. 100% các sản phẩm là sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp uy tín sản xuất, như: Công ty CP Nhựa Duy Tân, Công ty CP Hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo, Công ty TNHH Việt Hưng... Do đó, mặc dù quy mô của chương trình chỉ có 40 gian hàng, song chương trình đã thu hút trên 80.000 lượt khách hàng tới tham quan, mua sắm. Chị Định Thị Huệ (thôn 11, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: “Tại hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, chúng tôi được tiếp cận, mua sắm các sản phẩm thiết yếu có chất lượng cao như nước rửa bát Mỹ Hảo, sữa tươi Nutifood, đồ gia dụng nhựa Duy Tân, nước mắm Thái Long, bưởi da xanh Sáu Ri... Mong rằng có nhiều chương trình như thế này được tổ chức”. Không chỉ có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, sản phẩm phù hợp, mà giá thành một số sản phẩm còn thấp hơn thị trường. Đơn cử như nước mắm cá quẩn chai 380ml của Công ty CP Chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải, thị trường có giá 36.000 đồng/chai, tại chương trình bán 32.000 đồng/chai. Chính những điều này đã thu hút người dân tới tham quan, mua sắm.
Bên cạnh đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, cho biết: Đây là lần đầu tiên Công ty tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại Quảng Ninh. Bằng việc phân khúc các đối tượng để giới thiệu các sản phẩm phù hợp, các sản phẩm của Công ty bày bán tại chương trình đều tiêu thụ tốt. Sau khi tham gia chương trình, Công ty đã phát triển thêm 4 nhà phân phối tại Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà, Bình Liêu. Doanh thu hàng năm của đơn vị tại thị trường Quảng Ninh hiện khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, phấn đấu đạt 6.000 tỷ đồng vào năm 2020. Với thị trường tiềm năng như Quảng Ninh, doanh nghiệp tin rằng chỉ tiêu này sẽ đạt được.
Hội chợ OCOP Quảng Ninh đã qua 3 kỳ tổ chức, luôn thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm. Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2016 đã có trên 38.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trên 3,3 tỷ đồng. Điều này khẳng định sức hút, chất lượng, uy tín của hội chợ nói riêng và sản phẩm nông sản địa phương nói chung.
Để các hội chợ, phiên chợ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng thì cần tiếp tục đổi mới cách làm; nhất là cần chấm dứt tình trạng kinh doanh hội chợ, phiên chợ một cách thiếu trách nhiệm như đang diễn ra ở một số hội chợ thương mại hiện nay.
Cao Quỳnh
Ý kiến (0)