Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:23 (GMT +7)
Để Carnaval Hạ Long “hút” khách
Thứ 7, 23/03/2013 | 05:04:21 [GMT +7] A A
Sau những năm Carnaval Hạ Long “tây” hết cỡ với hình ảnh choáng ngợp của dàn “chân dài” xinh đẹp từ cả nước tụ hội, từ năm ngoái, lễ hội đường phố này đã quay lại với mục đích tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của riêng Quảng Ninh. Sự chuyển đổi này được đông đảo dư luận ủng hộ. Thế nhưng, để Carnaval Hạ Long thực sự “hút” khách thì vẫn là nỗi mong mỏi của biết bao người yêu mến Quảng Ninh; và có vậy thì những giá trị văn hoá kia mới thực sự phát huy giá trị theo đúng nghĩa của nó.
Đây cũng là điều được bàn tới nhiều nhất tại cuộc họp của đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh do đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì diễn ra vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Trong đó, bàn sâu về nội dung, riêng việc “đốt rồng” được xem là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ lễ hội trước; chủ đề về Vịnh Hạ Long và Yên Tử, 2 trọng điểm du lịch của Quảng Ninh rồi việc đưa các lễ hội, các nghi lễ dân gian của các dân tộc vào trình diễn cũng có nhiều ý kiến đóng góp vào kịch bản để tôn vinh thêm giá trị các di sản...
Xe hoa thể hiện các giá trị văn hoá của Yên Tử trong lễ hội Carnaval Hạ Long 2012. Ảnh: Đỗ Phương |
Carnaval Hạ Long năm nay bị chi phối rất lớn bởi vấn đề kinh phí. Nếu như năm ngoái, việc xã hội hoá đã khó khăn thì dự báo năm nay việc huy động ngoài ngân sách còn khó hơn gấp bội bởi thực trạng chung của doanh nghiệp. Cũng vì vậy, kịch bản lễ hội đã đưa ra 3 phương án khác nhau, thậm chí có lúc đã bàn sâu về phương án có mức kinh phí thấp nhất. Ông Hoàng Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng là tổng đạo diễn, tác giả kịch bản phân tích: “Kinh phí thấp nhưng âm thanh, ánh sáng vẫn phải chuyên nghiệp để đảm bảo hiệu quả nghệ thuật cho chương trình. Các chủ đề nhỏ cũng không đổi mà việc tiết giảm sẽ nằm ở số lượng xe hoa và các khối diễn, số lượng diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đều phải giảm đi; hay như khán đài sẽ chỉ khoảng hơn 3.000 chỗ ngồi, bằng non nửa năm ngoái thôi...”. Tuy nhiên, ông Mạc Thành Luân, Phó Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn: “Kinh phí thấp thì không thể hoành tráng được, chưa kể năm nay tổ chức ở địa điểm khác, kết cấu chi phí cũng khác đi...”.
Tháo gỡ mâu thuẫn này, được biết, ngay sau đó tỉnh đã chỉ đạo là quy mô lễ hội vẫn đảm bảo ngang tầm năm ngoái trên cơ sở huy động xã hội hoá tối đa. Kinh phí chi theo hướng tiết kiệm bằng cách giảm số lượng diễn viên trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng diễn viên không chuyên của tỉnh để đảm bảo nâng cao chất lượng nghệ thuật cho Carnaval... Như vậy là bài toán kinh phí đã có hướng mở nhất định.
Carnaval Hạ Long năm nay không chỉ nâng số lượng diễn viên của tỉnh lên trên 90% mà ngay “thủ lĩnh” chương trình (tổng đạo diễn, tác giả kịch bản) và nhiều khâu khác cũng được “nội” hoá. Tuy vậy, cũng có ý kiến e ngại là khi phát trên truyền hình cả nước thì tổng đạo diễn của tỉnh rõ ràng chưa có “thương hiệu”; âm nhạc cũng nên có thêm nhạc sĩ chắc tay hơn, phần trang trí cũng phải nổi bật vì địa điểm mới có không gian rộng, cảnh quan hạn chế. Để Carnaval Hạ Long thể hiện đúng tính chất lễ hội đường phố - lễ hội của mọi người cũng được nhiều ý kiến quan tâm, cụ thể như: Cần điều chỉnh thời lượng diễn trên sân khấu theo hướng tiết giảm đi để dành chủ yếu cho Carnaval; đảm bảo sự cân xứng giữa tiết mục của ta với các nghệ sĩ nước ngoài, tránh để bạn dù ít mà ấn tượng lại đậm hơn ta; hay giảm sự lệ thuộc vào truyền hình trực tiếp để lễ hội là của tất cả mọi người v.v..
Carnaval Hạ Long là sinh hoạt văn hoá lớn của tỉnh hàng năm, vì vậy, để đây thực sự là ngày hội văn hoá với những ứng xử có văn hoá thì ý kiến của ông Nguyễn Thành Long, Phó Ban Dân vận Tỉnh uỷ rất đáng quan tâm. Ông bảo: “Lễ hội thì phải đông đúc, chật chội một tý mới ra lễ hội nhưng cần đảm bảo chỗ ngồi, chỗ đứng hợp lý cho du khách. An ninh trật tự cần tăng cường nhưng ứng xử cần văn hoá hơn, khéo léo hơn; chúng tôi từng thấy có nhiều đoàn khách rất hào hứng với Carnaval nhưng gặp thái độ mất lịch sự, một vài câu nói thiếu nhã nhặn của lực lượng này họ lên xe về ngay...”. Còn ở góc rộng hơn, ông Long đề nghị tỉnh nên quan tâm những địa phương mà Quảng Ninh kết nghĩa trong nước, nước ngoài như Lào, rồi đoàn Nhật Bản, hay mời thêm các cơ quan truyền thông lớn... để tăng sức quảng bá cho lễ hội.
Chủ trương đưa những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc vào Carnaval, biến chúng thành sản phẩm phục vụ du lịch chính là cách giúp các di sản phát huy giá trị, sống được trong đời sống hôm nay. Các nhà làm văn hoá đều nói nhiều về điều này, năm nay việc tổ chức Carnaval Hạ Long đã thực sự được trao vào tay những người làm văn hoá của tỉnh, là cơ hội lớn để đưa văn hoá truyền thống thăng hoa như mơ ước lâu nay. Liệu họ có làm được không, chúng ta hãy cùng chờ xem!
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()