Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 03:16 (GMT +7)
Để có nông sản sạch - an toàn: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Thứ 4, 12/04/2017 | 08:07:14 [GMT +7] A A
Năm 2017, UBND tỉnh xác định tiếp tục là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho người dân.
Chế biến sản phẩm giò, chả ở cơ sở Oanh Thời, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, cơ sở được đánh giá đảm bảo VSATTP. |
Những chuyển biến tích cực
Hiện nay, việc xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra nông sản an toàn được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân chú trọng, quan tâm. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong nông nghiệp được nâng cao hơn một bước, trở thành năm cao điểm hành động trong lĩnh vực này. Có thể thấy nhận thức và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương trong cuộc chiến chống nông sản không an toàn trở nên mạnh mẽ, quyết liệt nhất từ trước đến nay. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động năm cao điểm VSATTP trong nông nghiệp; thành lập tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ATTP; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh, tố giác các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. 15 đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai năm cao điểm VSATTP. Sở Công Thương lần đầu tiên tiến hành chương trình kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ đầu mối, chợ loại I, trong đó lắp đặt, đưa vào sử dụng hiệu quả bộ test nhanh thực phẩm miễn phí, có thể phát hiện 14 chất độc hại trong thực phẩm tại 5 chợ lớn. Riêng Sở NN&PTNT, đơn vị chủ quản về lĩnh vực này đã ban hành 113 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai về công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; thành lập tổ giúp việc cho Giám đốc Sở về đảm bảo ATTP...
Chính vì vậy, công tác triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trong nông nghiệp thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan, nổi bật. Chỉ tính trong năm 2016, hầu hết các nhiệm vụ liên quan đến ATTP trong nông nghiệp đều đạt kết quả cao. Cụ thể công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, không chỉ nội dung phong phú, hình thức đa dạng với tần suất, số lượng tăng mạnh 440% so với kế hoạch; tăng trên 400% so với năm 2015. Hoạt động lấy mẫu giám sát ATTP với 2.384 mẫu, đạt trên 440% kế hoạch, tăng 2.130 mẫu so với năm 2015. Hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành, đột xuất đã phát hiện 1.106 vi phạm, tăng 854 vụ so với năm 2015; số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng trên 3,4 tỷ đồng...
Chính sự vào cuộc quyết liệt trên đã tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động về công tác đảm bảo ATTP của cả người sản xuất và tiêu dùng, nâng cao hơn một bước hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, chất bảo quản, phụ gia độc hại trong nông nghiệp được kiểm soát. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trong đó hiệu quả rõ nét nhất là xây dựng được hơn 120 sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao.
Còn nhiều việc phải làm
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng mừng nói trên, tuy nhiên công tác đảm bảo ATTP trong nông nghiệp hiện vẫn là vấn đề nóng, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, việc ký cam kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn với các hộ nông dân vốn được xem là giải pháp ràng buộc người sản xuất vào các tiêu chí an toàn song kết quả thực hiện ở mức thấp. Đây là lỗ hổng lớn bởi thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các đơn vị chức năng cũng chưa triển khai được hoạt động kiểm tra vào các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản quy mô nông hộ.
Bên cạnh đó, hiện việc cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện ATTP đạt tỷ lệ thấp. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ cấp được gần 300 cơ sở đủ điều kiện ATTP, đạt 37,66%. Trong quý I-2017, con số này còn thấp hơn nhiều với 9 cơ sở. Toàn tỉnh chưa thực hiện được việc kiểm tra VSATTP tàu cá (từ 90CV trở lên), vốn là một quy định bắt buộc. Các đơn vị chức năng cũng chưa kiểm soát được vấn đề an toàn tại các cơ sở sản xuất nước thô được sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua kết quả khảo sát thực tế của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, hiện nay cấp huyện, xã không có cán bộ chuyên trách và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể về lĩnh vực ATTP nông nghiệp; kinh phí dành cho việc này của các địa phương cũng nhỏ, chưa tương xứng. Việc thiết lập các mô hình sản xuất, điểm bán nông thuỷ sản được kiểm soát ATTP còn hạn chế, đặc biệt thói quen của người tiêu dùng khi mua sản phẩm thực phẩm ít quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ đã gây khó khăn cho công tác đảm bảo ATTP trong nông nghiệp...
Năm 2017, theo kế hoạch của tỉnh, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về ATTP trong nông nghiệp đều nâng cao và giải pháp thực hiện cũng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cụ thể, phấn đấu cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 100% số cơ sở đủ điều kiện; tổ chức ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với 100% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với 80% số cơ sở; kiểm tra 100% các cơ quan cấp huyện về triển khai công tác quản lý ATTP nông nghiệp; công khai cơ sở vi phạm, không đảm bảo ATTP; quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sự cố về ATTP... Đây là thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các đơn vị quản lý, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân trong việc thực hiện đảm bảo ATTP trong nông nghiệp.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()