Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 13:29 (GMT +7)
Để công tác tổng kết năm đạt hiệu quả
Thứ 3, 29/12/2015 | 06:32:30 [GMT +7] A A
Dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kết hoạt động, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm mới 2016. Đây là công việc thường niên không thể thiếu đối với bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, để qua đó kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân những việc đã làm được và chưa làm được trong thực hiện kế hoạch năm. Đặc biệt, qua tổng kết sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm quý để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm tiếp theo. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề, nội dung mang tính lý luận, dẫn đường đều được đúc rút, xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Bởi vậy, các cuộc tổng kết, sơ kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung, hoàn thiện các giải pháp, cách thức phục vụ cho việc thúc đẩy sự phát triển…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn diễn ra không ít các cuộc tổng kết mang tính hình thức, đối phó, làm cho có, cho xong việc. Ở những hội nghị như thế này, việc xây dựng báo cáo chung cũng ít được chú trọng, chưa tập trung được trí tuệ của tập thể; báo cáo nặng về kể lể thành tích, những việc đã làm được; còn phần yếu kém, nhược điểm thì sơ sài, thiếu phân tích, xác định nguyên nhân. Phần xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm sau cũng hết sức sơ lược, chung chung, không nêu rõ được những biện pháp, cách thức, chỉ tiêu cụ thể. Ở các hội nghị đều có phần tham luận của đại biểu để làm rõ và bổ sung vào báo cáo chung, nhưng thực tế các tham luận lại rời rạc, thiếu tính gắn kết với nội dung đánh giá của báo cáo chung, mà nội dung phần lớn cũng lại sa vào tình trạng kể lể, liệt kê thành tích của đơn vị, địa phương, phòng ban mình. Còn những nội dung nêu ra trong báo cáo chung ít được mổ xẻ, phân tích, xác định cái hay, cái dở. Vì vậy, thường những bản dự thảo báo cáo chung sẽ nhanh chóng được thông qua và trở thành văn bản chính thức. Với cách thức tổ chức như thế này rõ ràng hiệu quả mang lại từ hội nghị tổng kết là không cao, khó tạo ra được những đột phá trong phát triển thời gian tới…
Vì vậy, để các hội nghị tổng kết năm nói chung và các hội nghị tổng kết mang tính chuyên đề nói riêng đạt được hiệu quả cao và mang lại giá trị thiết thực thì công tác chuẩn bị phải được chú trọng, đề cao, từ khâu dự thảo báo cáo, lựa chọn và thông qua nội dung tham luận, đến khâu tổ chức, điều hành hội nghị. Trong báo cáo chung và các báo cáo tham luận cần lược bỏ bớt phần kể lể, liệt kê thành tích mà thay vào đó là phân tích chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, khuyết điểm; đề xuất những cách thức, giải pháp hiệu quả để giải quyết, khắc phục những yếu kém, hạn chế, kể cả cho trước mắt và lâu dài. Một điều đáng quan tâm nữa là phải chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân, kể cả những ý kiến không nằm trong chương trình, kế hoạch phát biểu tham luận. Có như vậy tính dân chủ trong thảo luận mới được phát huy, mới tranh thủ được trí tuệ của nhiều người đóng góp cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị…
Ở các hội nghị tổng kết có một nội dung không thể không có, đó là phần thi đua khen thưởng. Nhưng để thi đua thực sự là động lực cho sự phát triển thì việc xét duyệt, công nhận các danh hiệu cũng phải thực sự khách quan, đúng người, đúng việc, để những tập thể, cá nhân được khen thưởng thực sự được mọi người tâm phục, khẩu phục. Và cần hết sức tránh tình trạng khen thưởng theo kiểu dải mành mành, bình quân chủ nghĩa, ai cũng được khen, không về thành tích này thì cũng về thành tích khác. Làm như vậy là sẽ thui chột động lực phấn đấu và giảm tác dụng, hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()