Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:30 (GMT +7)
Đảm bảo cho nhân dân đón xuân, vui Tết an toàn, tiết kiệm
Thứ 4, 11/01/2023 | 09:38:28 [GMT +7] A A
Để đảm bảo cho nhân dân đón xuân, vui Tết Quý Mão 2023 tươi vui, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW (ngày 18/11/2022) của Ban Bí thư, Chỉ thị số 22/CT-TTg (ngày 23/12/2022) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Quảng Ninh yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò nêu gương, nhất là trong chỉ đạo triển khai các hoạt động vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm... Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng NSNN, phương tiện, tài sản công trái quy định...
Đồng thời, tổ chức tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng khó khăn, địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, đến nay quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh đã tiếp nhận trên 1,1 tỷ đồng của các tập thể, cá nhân, đồng thời huy động các doanh nghiệp tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Vừa qua, đoàn của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt tổ chức đi thăm, tặng quà Tết cho người nghèo, đối tượng khó khăn, gia đình chính sách...
Các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cũng tích cực tổ chức các hoạt động ý nghĩa, huy động sự ủng hộ, quyên góp của cộng đồng với mong muốn mang một cái Tết trọn vẹn đến những hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là các phong trào, chương trình: “Tết nhân ái”, “Đông ấm cho em”, “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”, “Xuân tình nguyện”, "Tình nguyện mùa đông 2022, xuân tình nguyện 2023"... Thông qua các hoạt động đã góp phần sẻ chia, mang xuân ấm đến nhiều gia đình, nhiều trường hợp khó khăn.
Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo rà soát để có hình thức động viên phù hợp với công nhân xa nhà, lao động tại các KCN, KKT, công ty, nhà máy, xí nghiệp... có hoàn cảnh khó khăn không về quê ăn Tết; khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị bố trí phương tiện, hỗ trợ vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn Tết và trở lại nơi làm việc sau kỳ nghỉ Tết; đảm bảo phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhân dân, kiều bào ta từ nước ngoài về quê đón Tết thuận tiện, an toàn, nhất là khu vực biên giới và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn...
Hiện các đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường dự báo và quản lý thị trường, kiểm soát ổn định giá cả, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, nguồn cung xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với quyết tâm “không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu lương thực thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết”; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ. Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ bình yên cuộc sống để nhân dân đón xuân, vui Tết...
Theo dự báo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội 2023, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.
Với phương châm không chủ quan, lơ là phòng chống dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, CDC Quảng Ninh sẵn sàng phương án phòng chống dịch; thường trực cấp cứu và chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế; chủ động các phương án nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế đảm bảo khám, cấp cứu, điều trị người bệnh, không để xảy ra sự cố; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2...
Hiện nay, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu trở lại bình thường, vì vậy công tác phòng, chống dịch được tỉnh tiếp tục triển khai theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”. Tỉnh xác định tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong phòng, chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19... Mục tiêu hàng đầu là chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, để nhân dân đón Tết thực sự yên vui, an toàn; tạo điều kiện để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm đạt hiệu quả.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, trồng 2.000ha lim, giổi, lát năm 2023 và hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh thực hiện cùng ngày với lễ phát động tại các địa phương, tổ chức ngày 27/1/2023 (tức mùng 6/1 âm lịch). Theo đó, sẽ trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng 2.000ha lim, giổi, lát theo chỉ tiêu năm 2023; phát động trồng 5 triệu cây xanh trên địa bàn theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tại lễ phát động cấp tỉnh sẽ trồng trên 4ha, với 3.600 cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường để phát triển thành rừng cây gỗ lớn đưa vào quy hoạch lâm nghiệp. Các địa phương, đơn vị cũng chủ động tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực trồng cây, trồng rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()