Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:41 (GMT +7)
Để doanh nghiệp vượt khó thành công
Thứ 2, 08/07/2024 | 15:21:56 [GMT +7] A A
Nền kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong quý 2-2024 với mức tăng trưởng ước tính đạt 6,93%, tương đương với mức trung bình của 5 năm trước đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6-7 từ khảo sát 30.000 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn từ cả phía cung lẫn phía cầu.
Như vậy Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục phát triển?
Với những khó khăn liên quan đến chu kỳ kinh doanh, Chính phủ cần tỉnh táo vượt qua áp lực của một bộ phận doanh nghiệp, đóng vai trò trung lập thay vì tích cực hỗ trợ, dẫn đến ỷ lại vào Nhà nước.
Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin thị trường, xu hướng chính sách của các thị trường lớn, định hướng chính sách ở trong nước… để các doanh nghiệp tự điều chỉnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, đang gặp phải những thách thức rất lớn về điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp trong nước không tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Nhưng đây chính là cơ hội để vươn lên, cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, bằng thực lực và trí tuệ của mình để chiếm lĩnh những vị trí mà các doanh nghiệp nước ngoài thất bại bỏ lại.
Nếu thành công, các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam ắt sẽ có một vị trí rất khác trên bản đồ kinh tế thế giới trong những năm tới.
Để tăng cơ hội thành công, những thứ mà cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định lâu dài.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ cần đảm bảo lạm phát được khống chế trong phạm vi mục tiêu (tốt nhất trong khoảng 3 - 4%/năm) và tài khóa lành mạnh (tỉ lệ bội chi ngân sách tốt nhất dưới 3%; tỉ lệ nợ công (cần tính cả nợ của chính quyền địa phương)/GDP tốt nhất dưới 50%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước tốt nhất dưới 20%).
Việc duy trì tỉ lệ lạm phát thấp cũng như tài khóa lành mạnh còn có ý nghĩa quan trọng khác là giúp cho chi phí vốn của doanh nghiệp trong nước thấp trong dài hạn.
Để có thể cạnh tranh và lớn mạnh được trên thương trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước không có cách nào khác ngoài việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì mức giá cạnh tranh và đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận hợp lý để tích lũy và thu hút vốn đầu tư.
Doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được điều này nếu như Nhà nước giúp họ giảm bớt các nghĩa vụ thuế, phí; giảm các loại chi phí giao dịch liên quan đến vận tải và logistics, thủ tục hành chính, huy động vốn và chuyển nhượng vốn, tuyển dụng và sa thải nhân công, chi phí thành lập/giải thể/phá sản...
Không chủ doanh nghiệp nào muốn phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là vươn ra bên ngoài, khi mà tài sản trong nước tích lũy càng nhiều thì nguy cơ vướng mắc pháp lý về quyền tài sản với các tài sản mà cá nhân và doanh nghiệp sở hữu càng tăng.
Do đó, ngoài cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, Chính phủ cần có những cam kết và hành động cụ thể nhằm giảm thiểu hình sự hóa các hoạt động kinh doanh của những doanh nhân liên quan đến các sai phạm gắn với đầu tư công trong quá khứ.
Một môi trường pháp lý tốt cho doanh nghiệp phát triển lâu bền vì thế cần đảm bảo quá khứ phải trở thành tài sản chứ không phải tiêu sản.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()