Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:14 (GMT +7)
Để đối tượng bảo trợ xã hội có “điểm dựa”
Thứ 3, 10/05/2022 | 08:03:01 [GMT +7] A A
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có 41.804 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là con số không nhỏ, nếu không được chăm sóc, bảo vệ tốt ảnh hưởng đến ổn định xã hội trên địa bàn. Bởi vậy, từ rất nhiều năm nay, tỉnh luôn quan tâm đến công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng này.
Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của trung ương, tình hình ngân sách của địa phương, tỉnh đã ban hành các băn bản hướng dẫn triển khai các chính sách liên quan; thực hiện trợ cấp cho các đối tượng kịp thời, đúng chế độ. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã nâng mức trợ cấp xã hội cho một số đối tượng vượt so với quy định của Trung ương.
Cụ thể, năm 2015, tỉnh áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội với các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng là 300.000 đồng/tháng, cao hơn 1,1 lần mức chuẩn Chính phủ quy định; đối tượng được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội là 400.000 đồng/tháng, cao hơn 1,4 lần mức chuẩn Chính phủ quy định. Năm 2017, mức chuẩn này tiếp tục nâng lên 350.000 đồng đối với đối tượng tại cộng đồng và mức chuẩn với đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội là 500.000 đồng, trong khi chuẩn của Nhà nước là 270.000 đồng.
Không chỉ tăng mức hỗ trợ, bên cạnh chính sách của trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù mở rộng, bổ sung nhóm đối tượng thụ hưởng đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đăc biệt, không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi so với Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể tỉnh hạ độ tuổi trợ cấp của người cao tuổi nghèo, cận nghèo từ đủ 75 xuống còn đủ 70 tuổi trên địa bàn; mở rộng phạm vi, điều kiện hưởng đối với nhóm người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ở khu vực miền núi, hải đảo; hỗ trợ chế độ mai táng phí, thẻ BHYT cho nhóm đối tượng từ đủ 70 tuổi trở lên... Trong 41.804 đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh thì có 37.131 đối tượng theo chính sách của Trung ương, 37.131 đối tượng theo nghị quyết của tỉnh.
Tỉnh còn hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật hệ vận động, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và 1 người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/người/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại đến cơ sở phẫu thuật... cho đối tượng và 1 người nhà đối tượng...
Bên cạnh thực hiện các chính sách xã hội, Quảng Ninh còn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời chương trình, đề án hướng tới đảm bảo quyền và chăm lo tốt hơn lợi ích của những người yếu thế nhằm giúp đối tượng thuộc diện được thụ hưởng tiếp cận chính sách, các dịch vụ trợ giúp xã hội. Tỉnh đã phê duyệt Đề án thí điểm nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Đề án dạy chữ cho trẻ câm điếc tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Đề án điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở bảo trợ xã hội công lập với số đối tượng nuôi dưỡng từ năm 2012 đến nay trung bình 170 người/năm, chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại những cơ sở này, các đối tượng được đảm bảo nuôi dưỡng theo quy định. Đối với các đối tượng, nhóm tuổi khác nhau có hệ số trợ cấp khác nhau với mức trung bình từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Các đối tượng này còn được hưởng mức sinh hoạt phí bằng 10 tháng lương tối thiểu chung/người/năm; với người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội với mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội/người/năm.
Dịp lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6, tỉnh, các địa phương, các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên địa bàn tỉnh có 307.584 đối tượng được thăm hỏi, tặng quà với tổng số tiền 154,4 tỷ đồng...
Việc ban hành, thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn của tỉnh và các địa phương, các ngành đã giúp những người yếu thế hòa nhập hơn với cuộc sống cộng đồng; góp phần giúp xã hội ngày càng ổn định và phát triển.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()