Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:11 (GMT +7)
Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 Để mọi người dân được thụ hưởng thành quả phát triển
Thứ 2, 03/07/2023 | 08:13:29 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân được Quảng Ninh lựa chọn là một nội dung chủ đề công tác năm 2023. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nội dung trên.
Ngay từ những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đánh giá nhu cầu tái định cư của người dân, xây dựng mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh... HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND "Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025", theo đó mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ. Trong đó khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với tiêu chí thu nhập, quy định chuẩn hộ nghèo thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.
Với lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo; đến hết năm 2025 còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo dưới 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Việc ban hành quy định mức chuẩn nghèo mới là cơ sở quan trọng thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện phương châm lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất.
Tỉnh đã tổ chức phát động đợt cao điểm ủng hộ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2023 với mục tiêu hoàn thành trước ngày 2/9; chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ GPMB đến năm 2030.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 99,8%; hỗ trợ chính sách đặc thù cho trẻ em theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cho 6.218 lượt trẻ, tổng kinh phí 9,84 tỷ đồng; hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên, tổng kinh phí 277 tỷ đồng… Tổng chi an sinh xã hội đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ.
Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở y tế, tỉnh đang hoàn thiện các Đề án: Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn; Tăng cường cơ sở vật chất nâng cao năng lực cơ sở y tế; Phát triển Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí… Tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thành Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh đến năm 2025. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT là 86,7%.
Tiếp tục mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, Quảng Ninh xác định hạ tầng giao thông là động lực quan trọng. Thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long; đường nối từ QL 279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345; xây dựng đường tỉnh 327, đoạn từ Nút giao Cổng tỉnh đến đường trục chính trung tâm TX Đông Triều…
Những tháng cuối năm, tỉnh xem xét phân bổ 457,1 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành Giáo dục; 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành Y tế; 115 tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; 745,5 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2023 để xây dựng 12 trường học. Qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, tiếp tục nhân lên niềm tin của nhân dân
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()