Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 13:46 (GMT +7)
Để nâng tầm thương hiệu Giải thơ Lê Thánh Tông
Chủ nhật, 05/04/2015 | 06:41:56 [GMT +7] A A
Giải thơ Lê Thánh Tông là một cuộc vận động sáng tác thơ hàng năm do CLB thơ Lê Thánh Tông (thuộc Uỷ ban MTTQ tỉnh) phát động và được Hội VHNT tỉnh phối hợp, hỗ trợ về mặt chuyên môn. Sau 27 lần tổ chức, Giải thơ đã khẳng định được tác dụng khích lệ phong trào sáng tác thơ trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để nâng tầm giải thơ này thành một giải thơ cấp tỉnh hàng năm mang thương hiệu của Quảng Ninh thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm...
Giải thơ Lê Thánh Tông được sáng lập ngày 28-3-1988 và sau đó 1 năm thì được trao giải lần đầu tiên. Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Lê Thánh Tông, Trưởng Ban Chung khảo Giải thơ, thì đây là “cánh tay nối dài” của Uỷ ban MTTQ tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Vì thế, tiêu chí của giải từ khi được thành lập đến nay nhất quán vẫn là “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Đại diện một số đơn vị tài trợ trao giải C cho các tác giả. |
Đáng mừng là trong những năm gần đây, nhìn chung mặt bằng thơ có chất lượng khá hơn, nhiều bài thơ có chất lượng tương đối tốt, khá nhuần nhuyễn và chủ đề thơ cũng rộng mở hơn, hướng đến những đề tài lớn lao phổ quát hơn. Gần đây nhất, Giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ 27, năm 2015 vừa mới được trao cho 19 bài thơ của 19 tác giả; trong đó có 1 giải A, 3 giải B, 7 giải C và 8 giải khuyến khích. Nhìn chung thơ dự giải năm nay có nội dung trong sáng, được thể hiện bằng lối viết khá có nghề. Có thể kể ra một số bài thơ như: “Đời lúa” của Dương Phượng Toại, “Anh có về Ba Chẽ với em không” của Minh Đức, “Cô tôi” của Trần Thưởng, “Kỳ Thượng” của Lại Tuấn Hiền, “Mẹ ơi quê mình đã khác” của Nguyễn Thu Mát v.v..
Tuy nhiên có lẽ cũng vì là thơ phong trào nên không thể tránh được một số bài thơ gửi về thiếu dụng công nghệ thuật, hay nói như nhà thơ Nguyễn Châu, thành viên Ban Chung khảo, là còn mang tính nôm na, thậm chí nhiều bài còn na ná giống thơ của những nhà thơ quen thuộc nổi tiếng. Ngay cả trong những bài khá nhất năm nay, nhà thơ Nguyễn Châu vẫn tìm thấy có những câu ghép vần, diễn đạt lủng củng, thiếu nhạc điệu trúc trắc khó đọc… Chỉ đọc tít một số bài thơ cũng nhận ra điều đó; chẳng hạn: “Năm mươi năm một chặng đường, một cuộc đời”, “Mẹ ơi quê mình đã khác”, “Thợ mỏ chúng ta”, “Bài học về nước mắt”, “Vùng mỏ” v.v..
Vì vậy, thiết nghĩ để nâng cao chất lượng Giải thơ Lê Thánh Tông, vấn đề đầu tiên cần làm là làm sao để cho thơ dự giải bớt đi sự sáo mòn, khẩu hiệu. Muốn vậy, các CLB thơ trực thuộc CLB thơ Lê Thánh Tông cần thường xuyên mời những nhà thơ có uy tín về nói chuyện thơ, tập huấn sáng tác thơ v.v.. Việc tuyển chọn thơ tham dự giải cũng cần làm kỹ lưỡng hơn. Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, việc này cần được làm ngay từ đầu năm. Các CLB phải có định hướng trước cho tác giả có triển vọng đoạt giải. Sau đó khi tác giả nộp bài thì các thành viên khác trong CLB cũng nên tham gia góp ý để tác giả tự sửa bài thơ cho hay hơn.
Vấn đề thứ hai cần làm để nâng tầm thương hiệu Giải thơ là cần phải loại bỏ vấn nạn “đạo thơ”, bởi đây không còn là chuyện hy hữu ở các bài thơ gửi dự Giải thơ Lê Thánh Tông, nhất là thơ trẻ. Trong tuyển tập “Đất lành”, tập thơ do Nxb Hội Nhà văn ấn hành vào cuối năm 2013, tập hợp thơ 13 năm đầu của thơ Quảng Ninh thế kỷ XXI do CLB thơ Lê Thánh Tông tuyển chọn, đã phát hiện có ít nhất 6 bài thơ dính “nghi án đạo thơ”. Đáng buồn là năm nay, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt hẳn. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết, trong quá trình chấm giải đã phát hiện ra thơ của một học sinh thuộc một CLB trên địa bàn Hạ Long lấy thơ người khác làm của mình. Có lẽ cũng vì thế mà nhà thơ Nguyễn Châu đã tỏ ra cẩn trọng: “- Ngay cả những bài thơ hay, câu thơ hay, chúng tôi vẫn phải xem xét xem có phải “của ai đó” không. Điều đó là không thừa, vì một vài lần trước các thành viên Ban Chung khảo đã phát hiện một vài trường hợp thơ lọt vào chung khảo lại không phải là thơ của tác giả dự giải…”. Nhà thơ Nguyễn Châu cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi không dám chắc mình đã phát hiện được hết tất cả các trường hợp”.
Một vấn đề nữa cũng đáng bàn; đó là làm thế nào để thu hút giới trẻ tham gia Giải thơ Lê Thánh Tông. Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Châu thì lực lượng sáng tác trẻ càng ngày càng mỏng hơn, ít bài hơn. Năm 2015, Ban Chung khảo đã không tìm được bài thơ nào của tác giả trẻ xứng đáng để trao giải A. Do đó, để thơ cuốn hút giới trẻ hơn nữa cần giới thiệu Giải thơ Lê Thánh Tông trong các trường học có CLB thơ là thành viên; từ đó phát hiện khích lệ những cây bút trẻ có triển vọng... Và trên hết, Ban Chủ nhiệm các CLB thơ cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyển chọn, chấm vòng sơ khảo ở các CLB, ngăn chặn tình trạng mượn thơ người khác dự thi Giải thơ Lê Thánh Tông…
Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()