Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:42 (GMT +7)
Để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững
Thứ 5, 14/12/2023 | 08:45:09 [GMT +7] A A
Để từng bước phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt các mục tiêu đề ra. Mục tiêu hướng đến là nâng tầm nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, hiệu quả cao. Đây chính là nền tảng quan trọng để góp phần phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, cùng hàng loạt chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, an toàn, bền vững, giá trị cao, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân khu vực nông thôn. Có thể kể đến như Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Gần đây nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong nghị quyết này là phấn đấu xây dựng khu vực nông thôn hướng tới tiêu chuẩn đô thị văn minh, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng cường quản lý chất thải rắn ở nông thôn, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước thải chăn nuôi sau xử lý, tạo bước chuyển căn bản chất lượng môi trường nông thôn và tiền đề vững chắc về bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn... Nghị quyết đã tạo động lực để toàn tỉnh tiếp nối kết quả đạt được, có quan điểm tổng thể thực hiện công tác xây dựng và bảo vệ môi trường.
Song song với đó, tỉnh đã chủ động rà soát, bổ sung, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu, tham gia với các cơ quan Trung ương, cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Đặc biệt là phát huy vai trò của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT trong cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, đã có một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trọng điểm. Đó là: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều của Tập đoàn Vingroup; Dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty CP Phú Lâm; Dự án mở rộng phát triển chăn nuôi của Công ty Thiên Thuận Tường; Dự án sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà của Công ty BIM; Dự án khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thủy sản tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn Việt Úc... Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà.
Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cấp, quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi trồng thủy sản và các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh; số hóa cơ sở dữ liệu 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng tích họp vào bản đồ đất đai của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý quản lý nuôi tôm nước lợ. Duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu thập, số hóa cập nhật dữ liệu liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm nông, lâm, thủy sản đăng tải lên hệ thống tại địa chỉ https://qn.check.net.vn/.
Hướng đến nông nghiệp toàn diện, hiện đại
Với những quyết sách đúng, trúng, hiệu quả, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh đã có bước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2020-2023, các chỉ tiêu đề ra của ngành nông nghiệp tỉnh cơ bản vượt kế hoạch. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt 4,21%, đạt 100% kế hoạch, đóng góp 0,2% điểm tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 4,8% trong GRDP của tỉnh. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, gắn với nhu cầu thị trường, sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều có lợi thế và giá trị tăng cao.
Nhiều chỉ tiêu đề ra của ngành nông nghiệp hoàn thành ở mức cao, như: Diện tích trồng rừng tập trung đạt 13.565ha, tăng 10,1% so với kịch bản tăng trưởng; sản lượng khai thác gỗ trừng trồng tăng 9,28% so với năm 2022; tổng sản lượng thủy sản tăng 4,65% so với năm 2022, tăng 4,12% so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt trên 62.400ha; tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định.
Quảng Ninh hiện có 401 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao; 100% sản phẩn OCOP đạt chuẩn được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã cấp 532 bộ mã truy xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 72 cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 45ha đất trồng trọt được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 162 tấn rươi - lúa; 94ha lúa chất lượng cao laponica và ST25. 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi. Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch đã được hình thành và phát triển, như: Mô hình du lịch trải nghiệm làng quê Yên Đức, làng gốm Đông Triều, làng chài Cửa Vạn, lễ hội hoa sở Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, đồi chè Hải Hà, văn hóa người Dao...
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, kết quả sản xuất nông nghiệp là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành, nhất là khi KHCN ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất giống. Vai trò của doanh nghiệp, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn chiếm vị trí quan trọng, tập trung phát triển thông qua các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả của tỉnh. Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại
Nông nghiệp, nông thôn phát triển đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 60,2% triệu đồng/năm, tăng 14,1 triệu đồng so với năm 2020.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, làm thay đổi diện mạo, giúp khu vực nông thôn thêm sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu; có 59/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu); 28/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí nông thôn giai đoạn 2021-2025. 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có thêm Tiên Yên, Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với cơ bản đạt 7/8 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ngọc Huyền - Đặng Dung
Liên kết website
Ý kiến ()