Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:02 (GMT +7)
Để núi Bài Thơ trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Thứ 4, 22/02/2023 | 06:03:00 [GMT +7] A A
Nằm ở trung tâm TP Hạ Long, núi Bài Thơ là điểm tham quan thú vị, thu hút đông du khách, nhất là khách quốc tế đến trải nghiệm. Để đưa nơi đây trở thành sản phẩm du lịch ngày càng chất lượng, hấp dẫn, thành phố đã lên phương án tu bổ, khai thác, đồng thời kết nối với các điểm du lịch trong khu vực, tăng sức cạnh tranh cho ngành Du lịch.
Núi Bài Thơ cao 106m, vượt lên trên các đỉnh núi phía Tây Bắc Vịnh Hạ Long, giống một ngọn núi tháp khổng lồ bên vịnh Cửa Lục. Đứng trên núi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và khung cảnh kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long. Cùng với vị trí bao quát của đỉnh núi Bài Thơ ở trên trục đường bộ và đường thủy, không biết từ bao giờ các triều đại phong kiến Việt Nam đã lập đồn trú, cắt cử lính đến canh gác. Đêm đến treo ngọn đèn lồng trên đỉnh núi báo hiệu tình hình phía Đông Bắc. Từ việc treo đèn đốt lửa trên đỉnh núi, núi có tên là Dọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng. Năm 1468 vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang và đóng quân dưới núi Truyền Đăng. Trước cảnh nước non đẹp như tranh vẽ, biển lặng sóng trong, nhà vua đã xúc cảm làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi Truyền Đăng. Từ đó núi có tên là Đề Thơ, sau gọi là núi Bài Thơ.
Núi Bài Thơ là di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Đây là một minh chứng hùng hồn về lịch sử thông tin liên lạc, từ buổi khai sơ, ngọn núi này đã có đồn trú, có lính trạm đốt đèn để báo bình yên, đốt lửa để báo giặc ngoại xâm và là nơi định hướng cho thuyền bè đi lại trên biển. Trong thời Pháp thuộc, núi Bài Thơ là nơi liên lạc của Đảng giữa Quảng Ninh với Hải Phòng, là nơi cất giữ tài liệu, hòm thư bí mật của đặc khu Hòn Gai, là nơi đưa đón cán bộ từ căn cứ chiến khu về hoạt động ở Khu mỏ. Đặc biệt, cũng trên ngọn núi này kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1930), lá cờ Đảng tung bay trên núi Bài Thơ đã thúc giục quần chúng nhân dân Khu mỏ đấu tranh giành lại chính quyền. Hiện những dấu tích còn lại trên núi Bài Thơ: Nhà cơ vụ, nhà hang tổng đài, hang sơ tán, hang trú ẩn, nhà Viba...
Núi Bài Thơ cùng với Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn đã tạo thành Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ. Nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1140-QĐ/BT (ngày 31/8/1992) của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, vào năm 2017, núi Bài Thơ tạm thời bị đóng cửa do các công trình trên núi bị xuống cấp, gây những hình ảnh mất thẩm mỹ, tính linh thiêng của lịch sử, mất an toàn cho du khách và ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Cụ thể, lối đi chính lên núi Bài Thơ nhỏ hẹp, ẩm thấp, phải đi qua ngay cửa nhà các hộ dân, nằm lọt trong một con ngõ nhỏ, âm u, rộng chưa đầy 1m; đường lên núi thường xuyên bị cản trở bởi nhiều rễ cây, vật liệu xây dựng, rác thải; một số công trình được phục dựng từ năm 2003 xuống cấp, hư hỏng...
Để thu hút du khách quay trở lại núi Bài Thơ, UBND TP Hạ Long đã lên phương án khai thác, tổ chức tuyến tham quan núi Bài Thơ cùng với Di tích lịch sử cấp quốc gia, bao gồm Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (nằm trong Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ). UBND thành phố đã xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích đối với lối vào di tích, nhà ban quản lý di tích, miếu thờ chị Nguyễn Thị Lạt, nhà cơ vụ tổng đài, hang sơ trú ẩn, sơ tán tổ chỉ huy, nhà công vụ, chòi nghỉ chân, lối lên di tích, đỉnh núi Bài Thơ. Cụ thể: Mở rộng lối đi, cắm biển chỉ dẫn; sơn sửa, lắp hệ thống điện, chiếu sáng, âm thanh, vệ sinh, bố trí cảnh quan, lan can tại các di tích trên núi; mở rộng không gian đỉnh núi. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, triển khai những hạng mục trên, thành phố ưu tiên yếu tố an toàn, phòng cháy chữa cháy, tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành; sưu tầm, khôi phục giá trị của Di tích lịch sử Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh; thiết kế phương án điểm ngắm cảnh có các thiết bị quan sát, chụp hình lưu niệm để lại dấu ấn đối với người dân và khách tham quan.
Thành phố sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện công tác GPMB và sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tu bổ, tôn tạo. Núi Bài Thơ sau khi được trùng tu, tôn tạo sẽ giao doanh nghiệp quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích và được khai thác một số dịch vụ trên núi (bán đồ uống, đồ lưu niệm), nghiên cứu việc bán vé tham quan theo quy định.
Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Cụm di tích núi Bài Thơ trở thành trung tâm du lịch của vùng II - vùng phía Đông thành phố, phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, trải nghiệm. Thành phố cũng đang lên phương án kết nối các di tích chùa Long Tiên, Khu văn hóa núi Bài Thơ, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, nhà tù giam chính trị, nhà chờ phà, cụm Ba Đèo, nhà thờ Hòn Gai gắn với chợ Hạ Long 1; Công viên Hạ Long, Quảng trường 30/10, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long... Được biết, đây là những điểm nằm trong tuyến tham quan số 1 theo Quyết định số 2685/QĐ-UBND và Quyết định số 1398/QĐ-UBND của UBND tỉnh về công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn các địa phương... Qua đó, tập trung đầu tư, khai thác, phát huy giá trị các lợi thế tự nhiên sẵn có, các di tích lịch sử, văn hoá; phát triển các trung tâm thương mại, chợ du lịch; định hướng phát triển các tuyến phố đêm, phố đi bộ nhằm mở rộng không gian phát triển du lịch của thành phố về phía Đông; hình thành các tuyến citytour tham quan bằng xe điện. Đây cũng là một trong những cách làm của TP Hạ Long để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách trong năm 2023.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()