Tất cả chuyên mục

Hôm nay, 4/7, là ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Buổi sáng, thí sinh làm bài thi môn Lịch sử với thời gian 180 phút theo hình thức tự luận.
Giống như năm 2015, môn Lịch sử ít được học sinh lựa chọn để thi THPT Quốc gia, vì nhiều nguyên nhân, như: Chương trình học nặng; phương pháp dạy của giáo viên còn khô khan, đơn điệu; có quá nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu cần phải nhớ, phải thuộc lòng... Trong khi đó, để làm bài thi có điểm, học sinh phải nhớ kỹ bài học vì cấu trúc đề thi chưa thực sự có sự thay đổi, đột phá về cấu trúc câu hỏi.
Các thí sinh Điểm thi THPT Yên Hưng trao đổi đáp án sau môn thi Lịch sử. |
Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT cho biết đang hướng tới thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế việc học lý thuyết, nặng nề về tái hiện, nhớ bài học mà hướng đến lượng giá kiến thức đã học bằng trắc nghiệm; gợi mở, phát huy tự do sáng tạo của cá nhân.
Kết thúc môn thi, nhiều thi sính đánh giá đúng là đề thi Lịch sử năm nay có chút thay đổi. Theo đó, đề thi có cấu trúc tương tự năm 2015 với nội dung nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12, có hai phần chính là Lịch sử Việt Nam chiếm 7 điểm (3 câu) và Lịch sử thế giới chiếm 3 điểm (1 câu). Đáng lưu ý là câu hỏi IV của đề (chiếm 2/10 điểm của bài thi) có dạng mở để kiểm tra thái độ, đánh giá quan điểm, chính kiến, của thí sinh.
Cụ thể: Trong đường lối đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn két dân tộc”. Phát biểu suy nghĩ của anh/chị về chủ trương của Đảng. Theo anh/chị, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc?
Thầy giáo Đoàn Văn Bền, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên TX Quảng Yên trao đổi bài với thí sinh sau khi kết thúc môn thi Lịch sử. |
Có mặt tại Điểm thi THPT Yên Hưng, phóng viên Báo Quảng Ninh được biết: Điểm thi này gồm thí sinh của 3 trường: THPT Yên Hưng, THPT Bạch Đằng, Trung tâm HN&GDTX Quảng Yên. Đây cũng là điểm thi tốt nghiệp THPT có đông thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử nhất, với 239 em (dự thi 238 em, vắng 1).
Kết thúc môn thi, thí sinh Bùi Thị Phương Huyền, cho biết: Đề thi Lịch sử có câu hỏi mở, giúp chúng em có cơ hội được thể hiện suy nghĩ, hiểu biết của mình. Đây cũng là câu tạo cho thí sinh có khả năng lấy điểm cao hơn. Em rất thích những đề thi có kiểu câu hỏi như thế này.
Theo cô giáo Khổng Thị Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hạ Long: Việc năm nay thí sinh chọn môn Lịch sử là môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT nhiều hơn các môn khác như Lý, Hóa, Sinh đã thể hiện được phần nào hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông. Đó là: Lịch sử hiện nay đã không còn đi theo lối mòn là học thuộc lòng nữa mà đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic, biết gắn kết sự kiện, biết phân tích và đánh giá.
Tiêu biểu như câu hỏi mở về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, học sinh sẽ phải có kiến thức xã hội phong phú, hiểu biết thực tế và theo dõi các vấn đề thời sự để có cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc về đại đoàn kết. Các em cũng được bày tỏ ý kiến cá nhân như 1 bài nghị luận xã hội ngắn về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc. Sau một thời gian bị học sinh “sợ” và có phần “hắt hủi”, các em học sinh đã và đang nhận thấy những cái hay, cái đẹp của môn Lịch sử chứ không còn bị ấn tượng không tốt bởi những con số, những sự kiện ở “thì quá khứ” nữa...
Niềm vui của các thí sinh sau khi thi môn thi Lịch sử. |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, cụm thi THPT có 1.015 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử; có 1.008 thí sinh dự thi, vắng 7 thí sinh (đạt 99,31%). Có 11/25 điểm thi không có thí sinh; 3 điểm thi có đông số thí sinh dự thi nhiều nhất là: Trung tâm HN&GDTX tỉnh (213 thí sinh); THPT Yên Hưng (238 thí sinh); THPT Hồng Đức (212 thí sinh). Ở cụm thi đại học, cao đẳng, có 938 thí sinh đăng ký dự môn Lịch sử, có 915 thí sinh dự thi, vắng 25 thí sinh (đạt 97,33%).
Buổi thi sáng 4/7 diễn ra an toàn và nghiêm túc, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi phải lập biên bản, không có hiện tượng bất thường xảy ra.
Chiều 4/7, các thí sinh thi môn tự chọn cuối cùng: Sinh học, thời gian làm bài 90 phút, hình thức trắc nghiệm. Đây cũng là môn thi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Hoàng Quý-Nguyễn Hoa-Minh Hà
Ý kiến ()