Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 04:16 (GMT +7)
Đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa
Thứ 3, 14/02/2023 | 12:11:55 [GMT +7] A A
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ninh về việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hoá.
Cụ thể, cử tri Quảng Ninh kiến nghị: Theo quy định khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hoá quy định rõ các khu vực bảo vệ di tích: “1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I”. Đồng thời quy định: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch”.
Theo quy định tại Điều 3, Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư năm 2020, theo đó bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020 như sau: “g1) Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hoá không phân biệt quy mô diện tích, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới”; thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Việc quy định các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới đều thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp và việc đầu tư xây dựng các công trình nhà dân cũng cần xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch là bất cập, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1994, tại thời điểm đó đã xác định phác thảo về ranh giới của vùng đệm (vùng được khai thác để phát triển), vùng lõi (vùng hạn chế phát triển) và được sử dụng đến ngày nay. Do ranh giới được xác định từ những gần 30 năm trước nên đã không còn chính xác, không phản ánh đúng sự phát triển của địa phương. Thực tế rà soát cho thấy, một phần diện tích rất lớn các khu dân cư hiện trạng, đồi núi, các công trình văn hoá, chính trị, an ninh – quốc phòng… và phần lớn diện tích giáp biển của TP Hạ Long nằm trong ranh giới vùng đệm di sản. Như vậy, theo quy định khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hoá; Điều 3, Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư năm 2020, đã hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của thành phố biển, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, đánh mất cơ hội đầu tư.
Về nội dung này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có các Văn bản số 3426/UBND-VX1 ngày 16/6/2015, số 134/UBND-VX1 ngày 29/7/2015, số 4676/UBND- VX1 ngày 07/8/2015 báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chưa thống nhất với đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về việc điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản. Đề nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét chỉ đạo bổ sung sửa đổi Luật Di sản Văn hoá theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp “dự án đầu tư không phân biệt quy mô, diện tích, dân số thuộc phạm vi vùng bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt là di tích quốc gia, di tích đặc biệt”.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Về đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hoá theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp “dự án đầu tư không phân biệt quy mô, diện tích, dân số thuộc phạm vi vùng bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt là di tích quốc gia, di tích đặc biệt”.
Về nội dung này, ngày 30/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4913/BVHTTDL-VP trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm g Khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư, trong đó đã nêu: “Ngày 16/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3395/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ việc nghiên cứu, đề xuất phân cấp, phân quyền cho các địa phương gắn với phân rõ trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước nói chung, trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn gây cản trở cho quá trình phát triển chung của đất nước, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn đồng thời tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”.
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, trong đó Khoản 1 Điều 3 đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020.
Đồng thời, Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới nên ngoài việc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, còn phải thực hiện theo quy định của Công ước Di sản Thế giới và Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới. Ngày 03/6/2022, Trung tâm Di sản Thế giới có Công hàm số CLT/WHC/APA/FJ/NH/22/53 đề nghị giải trình về các dự án lớn ven biển thành phố Hạ Long với nội dung cho thấy việc Trung tâm Di sản Thế giới được bên thứ ba thông tin về một số công trình và cơ sở giải trí lớn xây dựng ven biển thành phố Hạ Long làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long; việc xây dựng các công trình quy mô lớn trên dải đất ven biển và san đồi để xây dựng các tòa nhà cao tầng được cho là đã phá hủy một phần cảnh quan gốc, tác động tiêu cực đến tính toàn vẹn; đồng thời gia tăng áp lực đối với việc bảo tồn thiên nhiên của di sản. Do đó, việc quản lý, bảo vệ, cũng như xây dựng các công trình tại vùng đệm của Di sản Vịnh Hạ Long cần nghiên cứu, tiến hành thận trọng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và Công ước Di sản Thế giới.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật hiện hành, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Ngọc Huyền (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()