Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, ban soạn thảo đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hằng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Theo phương án này, ba yếu tố gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.
Phương án hai, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của luật lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.
Tiền lương đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng.
Theo hướng dẫn thi hành luật lao động do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành năm 2016, phụ cấp lương là các khoản bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Các loại phụ cấp tính đóng BHXH bao gồm chức vụ, trách nhiệm, khu vực, thâm niên, phụ cấp công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Khoảng 15 loại phụ cấp, phúc lợi không tính đóng BHXH gồm tiền thưởng, thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ. Những khoản bổ sung khác được xác định là mức tiền cụ thể cùng mức lương thỏa thuận trong hợp đồng, chi trả thường xuyên trong mỗi kỳ lương.
Hướng dẫn hiện hành chưa quy định rõ các phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH khiến nhiều doanh nghiệp đưa ra các khoản thu nhập khác như khoán sản phẩm, tăng năng suất lao động, chuyên cần, để không phải đóng BHXH.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay xây dựng thang bảng lương ở mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng cộng 7% cho lao động đã qua đào tạo, thêm 5 -7% với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; hoặc hai bên thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng. Doanh nghiệp cũng cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng quỹ vì theo quy định, lao động đóng 1/3 và doanh nghiệp đóng 2/3 vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH của lao động trong doanh nghiệp FDI năm 2019 là 5,7 triệu đồng, năm 2020 lên 6 triệu đồng. Năm 2019, lao động doanh nghiệp ngoài quốc doanh có mức bình quân tiền lương đóng BHXH gần 4,8 triệu đồng và năm 2020 là 5 triệu đồng. Nhìn chung, mức tiền lương làm căn cứ đóng tăng không đáng kể, chỉ điều chỉnh theo mức tăng lương tối thiểu vùng.
Lương hưu cao hay thấp ngoài thời gian đóng còn phụ thuộc mức đóng BHXH. Với lao động khu vực doanh nghiệp, lương hưu được tính toán dựa trên bình quân tiền đóng BHXH toàn bộ quá trình tham gia. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp trả cho lao động thu nhập 20 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 5 triệu. Nếu đóng đủ năm và nghỉ hưu đúng tuổi, người đó chỉ được hưởng tối thiểu 45% và tối đa 75% bình quân toàn bộ quá trình đóng này.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Hết tháng 1/2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ý kiến ()