Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:55 (GMT +7)
Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, giảm giờ làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần
Thứ 3, 31/10/2023 | 15:58:36 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31/10, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023 dự kiến có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Vì vậy, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung các nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Cũng theo đại biểu Ủy ban Xã hội, nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới.
“Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như: nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”, ông Nghĩa nói.
Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao? Độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.
Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, các chỉ tiêu và giải pháp của năm 2024 phải đặt trong tổng thể của giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, theo ông Phạm Trọng Nghĩa, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. “Tôi nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công”, ông Nghĩa nêu.
Thứ hai, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông Nghĩa đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Thứ ba, là giải pháp tăng cường liên kết vùng. Cụ thể, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.
Đề cập đến thời hạn làm việc, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).
“Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Tôi kính mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này”, ông Nghĩa nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()