Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:06 (GMT +7)
Đề xuất tích hợp nhiều loại giấy tờ vào thẻ căn cước
Thứ 5, 22/06/2023 | 22:51:21 [GMT +7] A A
Khẳng định việc áp dụng công nghệ trong thẻ căn cước tạo thuận tiện cho người dân trong tham gia các giao dịch dân sự cũng như đi lại, đại biểu Quốc hội đề xuất tích hợp các giấy tờ bằng giấy hiện nay vào thẻ căn cước.
Linh hoạt quy định các loại giấy tờ tích hợp vào thẻ căn cước
Chiều 22/6, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) khẳng định sự cần thiết và giá trị của căn cước theo luật mới.
Theo đại biểu, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu xu. Việc áp dụng công nghệ trong thẻ căn cước rất thuận tiện cho người dân khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như trong đi lại. Do đó, đại biểu cho rằng tích hợp các giấy tờ bằng giấy hiện nay vào thẻ căn cước rất hợp lý.
Trong dự thảo luật đang quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định tích hợp những giấy tờ nào vào trong thẻ căn cước. Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, nếu quy định “cứng” chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quy định tích hợp giấy tờ vào căn cước thì sẽ rất mất thời gian khi muốn thay đổi.
Vì vậy, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc linh hoạt để Thủ tướng Chính phủ quyết định các loại giấy tờ sẽ tích hợp vào căn cước công dân.
Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cũng tán thành việc tích hợp thông tin ở một số giấy tờ khác ngoài căn cước vào thẻ căn cước, nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong thực hiện giao dịch hành chính dân sự.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới liên quan việc thu thập, khai thác, sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư, bí mật gia đình cần được bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ phương thức thích hợp và có giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý giao dịch công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan đến yêu cầu quản lý giao dịch cụ thể đó khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền truy cập sử dụng thông tin này.
Cũng liên quan tích hợp thông tin vào thẻ căn cước tại khoản 3 Điều 23 dự thảo luật, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị bổ sung quy định việc tích hợp các giấy tờ vào thẻ căn cước công dân không làm mất hiệu lực của các giấy tờ tích hợp tại khoản này, do phải sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ cũng như tránh việc xáo trộn trong việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến các loại giấy tờ.
Bổ sung nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung tại Điều 4 nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo quy định của pháp luật trong quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước.
Theo đại biểu, hiện nay, các cơ sở dữ liệu thông tin của công dân sẽ được số hóa quản lý và lưu trữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, cần có nguyên tắc này để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho người được cấp căn cước công dân.
Liên quan quy định về ứng dụng quản lý, sử dụng định danh điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, cần lưu ý tính bảo mật trong quá trình sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Ngoài việc sử dụng mật khẩu để đăng nhập, cần nghiên cứu các phương án bảo mật cao hơn, bảo mật qua nhiều lớp khi đăng nhập ứng dụng để hạn chế tối đa việc thông tin cá nhân bị lộ, lọt và khai thác trái phép.
Góp ý về việc thu thập thông tin sinh trắc học trong cơ sở dữ liệu căn cước theo dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho biết, dự thảo quy định thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Đây là những thông tin đặc trưng của mỗi người có tính cá biệt, ổn định rất cao.
Có ý kiến lo ngại về việc thu thập các thông tin sinh trắc học này ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, có thể làm lộ, lọt thông tin cá nhân liên quan đến các lĩnh vực bảo mật, có thể bị tội phạm lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình chỉ rõ, thực tế việc thu thập thông tin sinh trắc học là cần thiết để truy nguyên trực tiếp cá thể người, giúp quá trình quản lý công dân được chính xác, khoa học, dễ dàng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay của các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực tiễn có nhiều vụ án, vụ việc không xác định được đối tượng nhưng qua công tác điều tra thu thập các dấu vết sinh trắc học, như dấu vết đường vân tế bào người có ADN hay hình ảnh có khuôn mặt sẽ giúp truy tìm được đối tượng thông qua giám định hoặc đối sánh trên cơ sở dữ liệu về sinh trắc học.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng đây là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Theo đại biểu, việc thu thập vân tay, ảnh mặt, mống mắt, giọng nói có thể làm ngay cùng lúc với việc thu thập thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, còn ADN có thể tính toán làm từng bước theo lộ trình, vì để thu thập, phân tích, lưu giữ kiểu gene, khai thác, sử dụng thông tin ADN cần phải đầu tư phòng thí nghiệm, thiết bị phân tích và hóa chất, vật tư tiêu hao, kinh phí và nhân lực rất lớn.
Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), đại biểu cho biết năm 2019 có 70 quốc gia thành viên Interpol đã xây dựng cơ sở dữ liệu ADN, 31 quốc gia có cơ sở dữ liệu ADN chuyên dùng để tìm kiếm người mất tích, nhưng tỷ lệ thu thập dữ liệu còn thấp, nước nhiều nhất là 4,9% tổng dân số, nước ít nhất là 0,2% tổng dân số.
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình thông tin thêm, hiện nay, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã xây dựng và từng bước bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu ADN thông qua công tác chuyên môn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()