Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 04:44 (GMT +7)
Đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến Luật Chuyển đổi giới tính tại Kỳ họp thứ 8
Thứ 3, 23/05/2023 | 11:25:41 [GMT +7] A A
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình lập dự kiến Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, hồ sơ đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí được chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở hồ sơ của các cơ quan, đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu của thực tiễn để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình năm 2023
Về điều chỉnh Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 3 dự án luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 6.
Xem xét, thông qua 10 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án luật, trong đó 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (nếu có).
Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trên cơ sở xem xét thứ tự ưu tiên, cân đối số lượng các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024 để cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (lùi thời gian trình 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ).
Cũng theo dự kiến Chương trình năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Tại Kỳ họp thứ 8, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính do cá nhân đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề xuất xây dựng và Luật Việc làm (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình năm 2024.
Tuy nhiên, chuyển đổi giới tính là vấn đề khó, có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm đối tượng chịu sự tác động,.. để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản. Do đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian chuẩn bị .
Nếu được Quốc hội thông qua, Chương trình năm 2023 và năm 2024 sẽ có số lượng dự án như sau:
- Dự kiến Chương trình năm 2023:
+ Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023): thông qua 8 luật (trong đó có 6 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4), 3 nghị quyết; cho ý kiến 9 luật.
+ Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023): thông qua 9 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 8 luật.
+ Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua 1 pháp lệnh.
- Dự kiến Chương trình năm 2024:
+ Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024): thông qua 9 luật (trong đó có 8 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6), 1 nghị quyết; cho ý kiến 9 luật.
+ Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024): thông qua 9 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; cho ý kiến 2 luật.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()