Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:27 (GMT +7)
Để Yên Tử trở thành điểm du lịch tâm linh hàng đầu quốc gia
Thứ 3, 24/10/2023 | 14:05:07 [GMT +7] A A
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nơi được mệnh danh là cố đô Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, đưa Yên Tử trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh quốc gia là một trong những định hướng phát triển lâu dài và bền vững, đang được tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí quan tâm, đầu tư.
Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Yên Tử là nơi gắn bó thiên nhiên cảnh quan đặc sắc với khu Di tích tâm linh độc đáo gồm hệ thống chùa chiền, am, tháp chứa đựng giá trị quý giá về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Vì vậy, trong những năm qua, TP Uông Bí luôn xác định giá trị, tiềm năng to lớn của Di tích danh thắng Yên Tử, nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với khai thác phát triển kinh tế, nhất là du lịch bền vững. Tuy nhiên, quá trình quản lý, bảo tồn, khai thác nảy sinh các vấn đề, như việc khai thác than với bảo tồn, phát triển rừng và di tích danh thắng; bảo vệ nguyên trạng di tích với việc trùng tu, duy trì “sức sống” bền vững của di tích… Cùng với đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, ít dịch vụ giữ chân khách dài ngày, chưa có sản phẩm đặc trưng hấp dẫn.
Để giải quyết những mâu thuẫn trên, tỉnh và TP Uông Bí đã định hướng phát triển du lịch Uông Bí nói chung và Yên Tử nói riêng theo quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững. Theo đó, từ năm 2002, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết cho dừng khai thác than tại một số khai trường quan trọng của Công ty than Nam Mẫu, yêu cầu hoàn nguyên và khoanh định Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cư dân trong vùng, không chặt cây, phá rừng và săn bắn động vật; cơ bản chấm dứt chăn thả gia súc tự do; các lâm thổ sản đặc trưng có giá trị thay vì vào rừng khai thác đã được dân nuôi trồng, phát triển theo quy hoạch, trở thành thương hiệu địa phương như: Mai vàng Yên Tử, trầu tiên, mơ lông, măng trúc... Cùng với đó, khai thác du lịch có văn hóa, tu tạo di tích có hồn cốt, gắn giá trị tinh thần của Yên Tử với xúc tiến quảng bá du lịch.
Cùng với đó, tỉnh và thành phố cũng đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, biết đánh giá, khai thác giá trị vô giá của Yên Tử. Điển hình là chuỗi cơ sở vật chất, dịch vụ do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư rộng gần 20 ha, như Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; Sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002… Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa dân tộc, ẩm thực địa phương để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Tỉnh và TP Uông Bí còn tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Trong tương lai gần, sẽ nâng cấp quốc lộ 279 và tỉnh lộ 327 để kết nối Yên Tử với Bắc Giang, Lạng Sơn; tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long... Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang phối hợp với UBND hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương hoàn thiện hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, góp phần nâng tầm Khu di tích danh thắng Yên Tử, giới thiệu và thu hút đông du khách quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nghiêm Xuân Cường, cho biết: Với mục tiêu xây dựng “Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước”, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, phát triển du lịch Yên Tử một cách bền vững, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của Yên Tử. Cùng với đó, thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ, du lịch gắn với khai thác tiềm năng nổi bật của Khu di tích và danh thắng Yên Tử; huy động các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, nguồn ngân sách thành phố để chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên thông Yên Tử với các di tích trong và ngoài tỉnh. Thành phố cũng sẽ tăng cường tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để thu hút dự án về dịch vụ, du lịch. Hình thành chuỗi liên kết du lịch văn hóa tâm linh giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt giữa các địa phương nằm trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn Khu du tích danh thắng Yên Tử, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái Rừng Quốc gia Yên Tử. Đồng thời phối hợp tốt với Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, truyền thống văn hóa, giá trị tâm linh thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()