Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:27 (GMT +7)
Đếm ngược Nobel văn chương 2024: Người ta nhắc đâu chỉ Gerald Murnane và Tàn Tuyết?
Thứ 5, 10/10/2024 | 11:50:31 [GMT +7] A A
Những đồn đoán về chủ nhân Nobel văn chương 2024 hiện giờ tập trung vào hai cái tên: Tàn Tuyết người Trung Quốc và Gerald Murnane người Úc.
Giải Nobel văn chương chủ yếu chỉ vinh danh các tác gia Tây phương kể từ khi được trao lần đầu năm 1901, nhưng năm nay nhiều chuyên gia cho rằng Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ muốn hướng ra khỏi châu Âu và Mỹ.
Do không có danh sách ứng viên rút gọn được công bố chính thức, những đồn thổi lại được dịp bùng lên vào dịp trao giải đầu tháng 10 hằng năm.
Ai sẽ thắng giải?
Năm nay, nhiều người tin rằng nữ nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết sẽ được trao giải (bà là người dẫn đầu trên nhiều trang cá cược).
Một cái tên khác cũng được nhắc nhiều là tiểu thuyết gia người Úc Gerald Murnane (mà ngoài văn chương, nổi tiếng nhờ chưa từng đi máy bay).
Thường được so sánh với Franz Kafka, phong cách có tính thể nghiệm của Tàn Tuyết biến những chuyện vặt vãnh đời thường thành bầu không khí siêu thực - lối văn được tả bằng tính từ "kafkaesque".
Trao giải cho bà cũng có thể là cách để Viện hàn lâm "sửa sai" vì đã bỏ qua chính Kafka.
Tuy nhiên, Viện hàn lâm cũng hay lựa chọn các tác giả ít tên tuổi hơn để vinh danh, vì được trao giải Nobel là cách nhanh nhất để một nhà văn được công chúng biết đến.
"Tôi nghĩ họ đã rất kỳ công tìm kiếm những tác giả có thể khiến giới phê bình văn học chưng hửng", Bjorn Wiman, biên tập viên văn hóa của báo Thụy Điển Dagens Nyheter, bình luận.
Năm 2021 có lẽ là một trường hợp như vậy, khi nhà văn người Anh sinh ở Zanzibar Abdulrazak Gurnah được trao giải với các tác phẩm khám phá đời sống lưu lạc, chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc.
Hay năm 2016, khi biểu tượng nhạc folk-rock người Mỹ Bob Dylan được trao giải.
Wiman dự báo giải năm nay có thể sẽ thuộc về một tác giả Mexico, Argentina, hoặc châu Phi. "Tôi nghĩ đó sẽ là một phụ nữ sống ở khu vực ngôn ngữ bên ngoài châu Âu", ông nói.
Wiman cũng chia sẻ nếu được lựa chọn, ông sẽ chọn nhà văn người Anh sinh ở Ấn Độ Salman Rushdie, người đã trở thành biểu tượng của tự do ngôn luận sau khi bị dọa giết vì tác phẩm in năm 1988, The Satanic Verses, từng bị nhà lãnh đạo tối cao của Iran tuyên bố là phỉ báng đạo Hồi.
Rushdie cũng bị một kẻ cuồng tín đâm và mất mắt bên phải trong một sự kiện ở New York năm 2022, khiến ông đáp ứng nhiều tiêu chí ngoài văn chương của giải Nobel.
Ngặt nỗi, trong thời buổi phải đạo, nếu trao giải cho Rushdie, cũng là cái tên quen thuộc được nhắc mỗi mùa Nobel, "họ (Viện hàn lâm) sẽ bị cáo buộc lại vinh danh một người đàn ông trung niên nữa", Wiman bình luận.
Năm ngoái, giải đã về tay một người đàn ông trung niên rồi, lại còn da trắng nữa: nhà văn người Na Uy Jon Fosse.
Nobel văn chương Âu tâm, trọng nam khinh nữ?
Từ khi ra đời, Nobel văn chương đã là một giải thưởng Âu tâm, và chủ yếu dành cho nam giới. Trong 120 người được trao giải, chỉ 17 là phụ nữ, và 8 trong số đó là 20 năm qua.
Trong khi có 30 tác giả tiếng Anh và 16 tiếng Pháp được trao giải, chỉ có một tác giả viết bằng tiếng Ả Rập từng nhận giải Nobel: Naguib Mahfouz (Ai Cập), vào năm 1988.
Riêng với Trung Quốc, "đó là một nền văn chương mênh mông" gần như hoàn toàn không được phản chiếu trong lịch sử giải Nobel văn chương, theo Carin Franzen - giáo sư văn chương ở Đại học Stockholm.
Tác giả người Trung Quốc gần nhất được trao giải là Mạc Ngôn, năm 2012.
Một lý do giải thích cho tình trạng thiên lệch đó có thể là các giám khảo thiếu tính đa dạng về ngôn ngữ, theo Victor Malm - biên tập viên văn hóa ở nhật báo Thụy Điển Expressen.
Năm nay dự đoán của ông là nữ nhà văn người Antigua-Mỹ Jamaica Kincaid. "Tôi thấy khó tin là một tác giả viết bằng tiếng Hindi sẽ đột ngột được trao giải. Ở Viện hàn lâm đâu có ai biết tiếng Hindi, họ khó lòng đủ uy tín trong một đề tài như vậy", Malm nói.
Tiếng Ả Rập có 370 triệu người nói trên toàn cầu, tiếng Trung Quốc là 1,3 tỉ người, còn tiếng Hindi là 350 triệu.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận là Viện hàn lâm, trong thời hiện đại, đã tham vấn nhiều chuyên gia hơn và cố gắng giúp giải thưởng trở nên có tính đại diện hơn.
Từ năm 2021, họ có thêm các chuyên gia ngôn ngữ, để việc đánh giá không còn chỉ dựa vào các dịch phẩm.
"Rõ ràng đọc bản gốc sẽ khác hẳn", Lina Kalmteg, nhà phê bình văn chương ở đài phát thanh công cộng Thụy Điển SR, nói. Tuy nhiên, bà Kalmteg cũng nói hiếm có nhà văn nào được Viện hàn lâm xem xét mà "tác phẩm chưa từng được dịch ra tiếng Thụy Điển".
Về mặt lịch sử, trong khoảng 200 năm qua, châu Âu trên thực tế được coi là ưu việt hơn, ít ra là về văn chương, theo Rasmus Landstrom - nhà phê bình văn học ở nhật báo Thụy Điển Aftonbladet.
Trong quá khứ, Viện hàn lâm từng "nói thẳng như vậy". Tuy nhiên, cũng theo Landstrom, những cân nhắc của ban giám khảo, được niêm phong lại và 50 năm sau mới mở ra, cho thấy chính họ cũng đã phải vật lộn với định kiến Âu tâm hàng mấy chục năm qua.
Nhất là sau vụ bê bối "MeToo" năm 2018 khiến Viện hàn lâm vô cùng mất mặt, họ đã hứa sẽ mở rộng tính đại diện của giải Nobel, cả về địa lý lẫn ngôn ngữ.
"Do đó thật thú vị chờ đợi xem họ sẽ chọn ai từ góc nhìn phi Âu tâm này", Franzen nói. Cá nhân ông chọn nhà thơ người Canada Anne Carson.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()