Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:46 (GMT +7)
Đến lớp học thả mình vào thiên nhiên
Chủ nhật, 08/05/2022 | 07:13:15 [GMT +7] A A
Đó là lớp học đặc biệt giữa vùng núi non Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức vào mỗi cuối tuần để cho các bạn nhỏ thỏa sức thả mình vào thiên nhiên.
Trong khi nhiều người vẫn còn khá bỡ ngỡ khi nghe đến khái niệm “du lịch cộng đồng” thì tại Hòa Bắc khái niệm này đã được người dân tiếp cận và thực hiện. Bà con vùng núi này giờ đây không chỉ làm nông mà còn làm du lịch. Và điểm nhấn trong du lịch cộng đồng Hòa Bắc chính là lớp học cuối tuần.
Góc nhìn mới về du lịch
Lớp học được dẫn dắt trực tiếp bởi TS. Chu Mạnh Trinh - chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn (Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm, Hội An tỉnh Quảng Nam), Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Hòa Bắc. Với mong muốn xây dựng một hoạt động giúp cho người dân địa phương có cơ hội thực hành những kiến thức về du lịch cộng đồng,TS. Chu Mạnh Trinh đã lập nên lớp học cuối tuần dành cho trẻ em.
Các kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, lịch sử địa phương, văn hóa đồng bào... đều được thầy Trinh khéo léo lồng ghép vào mỗi giờ học. Những điều nghe có vẻ khó hiểu, vĩ mô nay lại được thầy truyền tải một cách thật gần gũi và dễ hiểu cho các em. Nhiều bố mẹ đã vô cùng bất ngờ khi thấy con mình trở nên tự tin và có cái nhìn sâu sắc hơn về tự nhiên và môi trường.
Lớp học không chỉ là nơi trao tri thức mà còn là nơi đem lại tuổi thơ đích thực cho trẻ em thành thị, vốn xa lạ với hình ảnh cánh đồng, chú trâu hay những rặng tre bên dòng sông.
Không chỉ hướng các em về ý thức bảo vệ môi trường, lớp học còn là dịp cho các em nhỏ tìm hiểu những nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu vốn trường tồn bao đời tại nơi đây. Đó là những đêm cùng dân làng đốt lửa, nhảy điệu Tâng tung da dá, đánh cồng chiêng, những tiết học dạy đan lát mây tre, thổ cẩm. Một cơ hội hiếm hoi để các em cảm nhận và trực tiếp tham gia vào việc duy trì nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lớp học không vách ngăn
Lớp học hằng tuần đặc biệt này không cố định tại một điểm mà linh hoạt chuyển đổi cho phù hợp với thời tiết và nội dung bài học. Có khi lớp học được bắt đầu giữa cánh đồng lúa với những câu chuyện về cây lúa, về hạt gạo, về nguồn nước... để các bạn nhỏ vừa cảm nhận mùi lúa thơm, vừa sờ vào những lá lúa mỏng manh rồi lắng nghe, quan sát và đặt câu hỏi. Có khi lớp được bắt đầu tại chính nhà của người dân địa phương, để các em được quan sát và tham gia cùng mọi người làm những món ăn truyền thống như đổ bánh xèo, đúc bánh bèo hay tráng mì lá...
Bà Nguyễn Thị Lắm, một người dân ở Hòa Bắc tham gia làm hướng dẫn viên, chia sẻ: “Cả tuần chỉ chờ đến ngày cuối tuần để được gặp lại các cháu. Được gặp và chia sẻ những điều mình biết cho các cháu tôi thấy vui lắm. Càng vui hơn khi thấy được sự thích thú của các bé khi tham gia vào các sinh hoạt và cùng nấu nướng chế biến những món ăn của bà con địa phương chúng tôi”.
Một nội dung không bao giờ thiếu vào mỗi tuần chính là những giờ học về phân loại rác thải. Không chỉ các em và cả người dân ở đây cũng được cùng tham gia. Những quy định của lớp học như thăm vườn không được hái, ra suối không được bắt luôn được thầy Trinh nhấn mạnh. Cũng nhờ vào các buổi học mà lượng rác thải tại các điểm học đã giảm đi đáng kể. “Từ đây rất có thể có những em sẽ trở thành những nhà bảo tồn thiên nhiên trong tương lai” thầy Trinh hy vọng.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()