Tất cả chuyên mục

Hai vị tướng tài đã tham gia dẹp giặc Tạ Văn Phụng (tay sai của thực dân Pháp) thời vua Tự Đức chính là đại thần Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai (Khuê). Di tích nơi các ông tử trận, được lập đền phụng thờ, tôn hai ông làm thần chủ là đền Quan Đại (xóm Chùa, xã Tiền An, TX Quảng Yên) vừa qua đã được Hội đồng thẩm định di tích cấp tỉnh thông qua để trình lên Bộ VH- TT&DL đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Tuy vậy, những câu chuyện về hai ông thì không phải ai cũng biết.
![]() |
Hai con voi đá, di vật gắn với truyền thuyết về đền Quan Đại vẫn còn được giữ lại đến nay. Ảnh: Lê Biên Thuỳ (Phòng VHTT Quảng Yên) |
Trương Quốc Dụng là một danh tướng, một nhà văn hoá lớn trong nửa cuối thế kỷ XIX của đất nước. Ông từng đỗ Cử nhân Đệ tam danh ở trường thi Nghệ An, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đệ tứ danh. Sau này, ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Lang trung Bộ hình, tả thị lang Bộ lễ, Bộ lại, Bộ hình, tả tham tri Bộ công, Thượng thư Bộ hình kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Sách Đăng khoa lục chép: “Ông tinh thông lý học, các kinh điển lịch gia trước bị thất truyền, ông lại đem truyền học tiếp. Lúc làm quan thì hoà nhã, thường nhàn rỗi ghi chép lại các trước tác, có sách Thoái thực ký văn lưu hành ở đời”… Khi ông mất, vua Tự Đức đã viết văn viếng ông và ca ngợi ông là một đại thần đủ tài văn võ, vì việc nước, liều tấm thân, hết lòng vì nghĩa; truy tặng ông hàm “Đặc tiến vinh lộc đại phu Đông Các đại học sĩ”. Còn Tiến sĩ Văn Đức Khuê cũng là nhà khoa bảng, tài cao đức trọng, là vị quan thanh liêm, khí tiết, yêu nước. Ông từng làm đốc học 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, rồi làm chức Ngự sử của triều đình. Năm 1863, ông được cử làm Tuần phủ Quảng Yên, kiêm Tán lý quân thứ Hải Yên.
Theo hồ sơ về di tích, năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, chúng triệt để lợi dụng các toán giặc cướp gắn danh nghĩa là nhà Lê âm mưu chia rẽ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, chia rẽ lương giáo. Tướng cướp Tạ Văn Phụng nằm trong số đó, hắn từng được giám mục Retord đưa sang Hương Cảng chờ thời và năm 1861 được đưa về nước, cho ra Bắc Kỳ với âm mưu gây rối. Phụng cải danh là Lê Duy Minh, xưng là hậu duệ nhà Lê, khởi binh làm loạn tại Hải Dương. Bị quan quân triều đình dẹp loạn, chúng ra vùng biển Đông Bắc sắm sửa thêm tàu thuyền, cấu kết với bọn thổ phỉ, cướp biển chuyên đi cướp phá, giết chóc dân lành suốt cả vùng duyên hải từ Nghệ An đến Móng Cái. Chúng xây dựng các căn cứ trên biển ở Nghiêu Phong (Cát Hải), Tiên Yên, Hải Ninh của tỉnh Quảng Yên và tìm cách giao kết với các thế lực chống triều đình ở một số tỉnh lân cận.
![]() |
Đền Quan Đại được người dân xã Tiền An dựng lại trên nền di tích cũ từ năm 1994. |
Để giữ vững vùng biên giới phía Bắc và ngăn chặn âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, triều đình Huế đã cử nhiều vị tướng đi dẹp loạn Tạ Văn Phụng nhưng không thành. Đầu năm 1864, Phụng kéo thuỷ quân đậu ở ngoài khơi Nghiêu Phong gồm 256 chiến thuyền và hơn 3.000 quân thuỷ bộ vào Quảng Yên cướp bóc. Ngày 26-6-1864, Trương Quốc Dụng từ Hải Dương đem quân ra Quảng Yên phối hợp cùng quan quân ở đây với 1.000 quân và 2 thớt voi đánh nhau với giặc tại xã La Khê, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi: “Quan quân ở Hải Yên cùng đánh nhau với giặc ở xã La Khê, tổng Hà Bắc. Quân giặc nhiều, quân ta ít không thể địch nổi (quân giặc 2 chi thuỷ, bộ với hơn 3.000 tên)…”. Cũng theo sách đó, trong trận này không chỉ Hiệp thống đại thần Trương Quốc Dụng, Tuần phủ Quảng Yên kiêm Tán lý quân thứ Hải Yên là Văn Đức Giai mà nhiều quan quân của triều đình đã bị chết, bị thương và thất lạc khá nhiều (hơn 380 người).
Theo truyền thuyết kể lại, sau khi hai ông tử trận, hai con voi trận của họ đã đưa thân chủ về phía rừng trúc (nơi dựng đền ngày nay) và dẫm quang một khoảng rừng trúc để đặt thi thể hai chủ soái rồi nằm phục bên cạnh. Sáng hôm sau, nhân dân biết tin ra chôn cất đã thấy mối đùn lên thành 2 ngôi mộ lớn. Hai con voi cũng nhịn ăn mà chết theo chủ. Dân làng La Khê thương tiếc, ngày ngày đến mộ để hương khói, tỏ lòng biết ơn các vị trung thần đã vì dân, vì nước. Sau đấy, dân làng La Khê có nạn hổ lang về quấy rối, bèn lập đền thờ hai ông thì nạn cũng tự nhiên hết. Từ đó, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, nhân dân quanh vùng quanh năm phụng thờ. Cũng vì đền thờ hai vị quan trung liệt này nên người dân còn gọi là Song Trung từ (đền thờ hai vị trung thần). Ngày mất của hai ông sau trở thành ngày lễ hội của đền, còn gọi là ngày “giỗ trận” cũng là lễ hội lớn của làng La Khê.
Ngọc Mai
Ý kiến ()