Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:33 (GMT +7)
Dệt may "vượt đáy" thị trường
Thứ 6, 24/11/2023 | 08:50:00 [GMT +7] A A
Sản xuất, kinh doanh khó khăn kéo dài do các doanh nghiệp bị tác động bởi các yếu tố như tổng cầu dệt may thế giới giảm mạnh, sự bất ổn về địa chính trị tại một số nước làm đứt gãy nguồn cung, đẩy chi phí tăng cao,... gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của các doanh nghiệp. Ðể có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa nhằm nắm bắt cơ hội xoay chiều, thúc đẩy sản xuất.
Tính tới thời điểm hiện tại, đa phần các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng "ăn đong" đơn hàng, thậm chí, chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, trái sở trường nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động,...
Ứng phó khó khăn
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may lại đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như thời gian vừa qua khi đơn hàng giảm mạnh, đơn giá cũng giảm sâu tới 30-40% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Mặc dù May 10 vẫn luôn cân bằng bốn thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Canada nhưng vẫn gặp khó. Thí dụ như thế mạnh của đơn vị là chuyên sản xuất áo sơ-mi, nhưng 10 tháng qua lại bị thiệt hại nặng nhất về mặt hàng này. Nếu như trước kia, áo sơ-mi chiếm tỷ trọng 60% của đơn vị nhưng hiện chỉ chiếm 39%; May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ-mi nhằm bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Cũng theo ông Thân Ðức Việt, xu thế và hành vi tiêu dùng đã ảnh hưởng đến thị trường, bởi tại thị trường Mỹ hiện nay có xu thế "work from home", họ không dùng sản phẩm thời trang công sở như áo sơ-mi khi đi làm do các doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí từ điện, nước, bộ phận văn phòng, thiết kế làm việc tuần hai buổi, còn IT và kế toán hai tuần đến công ty một lần. Với xu thế này đã ảnh hưởng rất lớn tới sức mua và khó kích cầu, bên cạnh đó, những yếu tố về tỷ giá, lạm phát, địa chính trị, chiến tranh cũng ảnh hưởng đến khách hàng của đơn vị. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải xác định lại sản phẩm thế mạnh, tăng sức cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Nhà Bè Phạm Phú Cường khẳng định, chưa khi nào doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay khi thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm,... Ðể thúc đẩy tăng trưởng, đơn vị yêu cầu mỗi người, mỗi bộ phận cần phải đột phá, sáng tạo trong điều hành và quản trị để ứng phó với khó khăn. Hiện nay, veston của May Nhà Bè đã chuyển về các nhà máy ở địa phương sản xuất, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất hàng Lacoste không có đường may và thời trang săn bắn với đơn giá CM có thể lên tới 30-50 USD/sản phẩm. May Nhà Bè sẵn sàng nhận những mặt hàng khó, không cho khách hàng vào một giỏ, không nhận đơn hàng quá 15% khả năng sản xuất,... nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Ðồng thời, công ty cũng căn cứ vào khu vực, địa lý, tay nghề công nhân để đưa dòng sản phẩm vào sản xuất, vì vậy, đầu năm 2023, đơn vị đã sản xuất tám dòng sản phẩm, hiện tại đang thực hiện 10 dòng sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng Trần Hữu Phong, trong những tháng cuối năm 2023, ngành sợi vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Mặc dù thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc có dấu hiệu mua nhưng sức mua khá yếu ớt, trong khi chi phí sản xuất sợi của Việt Nam vẫn cao, tiếp tục đối diện nhiều thách thức. "Nguyên liệu chiếm 60-70% giá thành, đây là yếu tố quyết định kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành sợi. Hiện nay giá bông tồn kho của đơn vị tương đối cao do phải nhập nguyên liệu với giá cao; khi thị trường thay đổi quá nhanh, đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng vẫn hủy gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp", ông Trần Hữu Phong nhấn mạnh.
Khẳng định vị thế, gia tăng năng suất
Xuất khẩu dệt may Việt Nam tháng 8/2023 đạt đỉnh ở mức 4,06 tỷ USD, bước sang tháng 9 tuy có giảm nhưng xuất sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ; ngành khăn-gia dụng tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành dệt-nhuộm không có nhiều thay đổi so với chín tháng đầu năm; ngành may đa số các đơn vị non tải trong quý IV/2023 nhưng có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi, đặt hàng.
Còn ngành sợi, giá bông đưa vào sản xuất quý III và IV/2023 hiện đã tiệm cận giá thị trường và ở mức thấp hơn so với sáu tháng đầu năm giúp ngành sợi có hiệu quả hơn. Do vậy, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may đó là công tác thị trường và năng suất lao động, khi chúng ta đang bị cạnh tranh nặng nề bởi các quốc gia đối thủ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Hữu Phong cho rằng, có những đơn vị gặp khó khăn nhưng vẫn tiêu thụ được sản phẩm, vì vậy, các đơn vị cần xác định lại thị trường rõ ràng hơn, có quyết tâm với mục tiêu đề ra. Ðối với doanh nghiệp có thị trường, cần cải thiện chất lượng nhằm khẳng định vị trí của doanh nghiệp. Về công tác quản trị sản xuất, chất lượng là gốc, chất lượng không tốt không thể làm được thị trường.Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sợi Phú Bài Trần Thị Kim Chi phân tích: Làm sợi trong thời gian tới cần phải tính toán thận trọng do nguyên liệu tồn kho quá lớn, giá cao khiến doanh nghiệp sợi rất áp lực. Sợi Phú Bài cũng chịu ảnh hưởng lớn của tỷ giá, lợi nhuận giảm nên đơn vị nhận thấy cần tiếp tục sản xuất sợi chất lượng cao, tốt, tiết giảm chi phí, lựa chọn khách hàng. Ðơn vị luôn bám sát thị trường, nhận thấy mặt hàng nào đang cần sẽ tăng cường sản xuất. Trước kia, Sợi Phú Bài đang tồn kho 1.500 tấn sợi cotton, đến nay chỉ tồn kho 300 tấn sợi cotton chi số cao từ năm ngoái chưa bán. Sợi năm 2023 sản xuất ra đều tiêu thụ hết; dây chuyền của nhà máy mới đang chạy sợi tái chế. Có thể nói, dòng sợi tái chế vẫn tốt hơn dòng sợi pha thường. Với quan điểm như vậy, đơn vị không quá chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình biến động khó lường như hiện nay.
Ðánh giá về tình hình thị trường những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho rằng, thị trường dệt may chưa có nhiều điểm sáng, đơn hàng chưa có dấu hiệu tăng, đa phần các đơn vị đều ở tình trạng non tải trong hai tháng cuối năm, thậm chí có đơn vị phải "ăn đong" đơn hàng từng tháng. Giá gia công vẫn ở mức thấp hơn khoảng 30% so với trước đây, câu chuyện cạnh tranh về giá với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Pakistan, Indonesia và nhất là Bangladesh càng trở nên khốc liệt. Bên cạnh đó, yêu cầu của các nhà mua hàng cũng ngày càng tăng, đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi chất lượng cao vẫn là xu thế trong ngắn hạn. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm đòi hỏi doanh nghiệp phải tận dụng tốt các cơ hội thị trường, tổ chức sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động, đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu chất lượng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt và bố trí nguồn nhân lực phù hợp để tối ưu hóa chi phí lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tiếp tục bám sát thị trường, đưa ra những giải pháp xử lý linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()