Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:26 (GMT +7)
Đi lễ chùa an toàn, văn minh mùa dịch
Thứ 6, 04/02/2022 | 08:44:24 [GMT +7] A A
Tiếp tục nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn. Khi không có những màn khai hội hoành tráng, thu hút hàng vạn du khách, phật tử đến lễ bái, tham quan, các điểm thờ tự, các điểm di tích lịch sử văn hóa trở về sự bình an, tĩnh lặng chốn linh thiêng vốn có. Dưới những mái chùa an yên, thanh tịnh, người dân có khoảng không gian, thời gian để chiêm nghiệm và cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hóa lễ chùa thuần túy cũng như nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa tâm linh của dân tộc.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu năm mới, các địa điểm thờ tự, di tích văn hóa lịch sử như Khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), chùa Long Tiên, đền Cái Lân (TP Hạ Long)… mọi năm vốn thu hút rất đông du khách, nhân dân đến tham quan, lễ bái thì năm nay số lượng có phần giảm hơn nhiều. Ý thức phòng, chống dịch của người dân tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Mọi người dân đi lễ chùa đầu năm đều đeo khẩu trang đầy đủ và thực hiện quét mã QR tại mỗi điểm đến. Cùng với đó, các cơ sở thờ tự, điểm di tích cũng đều dán mã QR tại nhiều vị trí, bố trí lực lượng trực tại khu vực cổng vào để hướng dẫn người dân quét mã, khai báo y tế cũng như chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang sẵn sàng phục vụ nhân dân và du khách. Từ việc ý thức, trách nhiệm trong phòng dịch mà sự quy củ, trật tự của người dân khi đi lễ dịp đầu xuân cũng được nâng lên rõ rệt.
Bà Lê Thị Thủy, phường Hà Tu (TP Hạ Long), chia sẻ: "Khác với mọi năm, năm nay, tôi chọn thời điểm buổi trưa mới đi lễ chùa Quang Nghiêm để phần nào tránh tập trung đông đúc. Mọi năm, cả nhà tôi đều cùng đi lễ chùa nhưng năm nay để phòng dịch, chỉ hai vợ chồng tôi đi đại diện. Tôi cũng chủ động thực hiện các nghi lễ nhanh chóng, ngắn gọn. Đến chùa, thấy đa phần mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang đầy đủ nên tôi cũng yên tâm".
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các đền, chùa trên địa bàn năm nay không tổ chức các hoạt động văn hóa, phần hội nhằm hạn chế tập trung đông người mà dành không gian, thời gian cho nhân dân, du khách tham quan, vãn cảnh và chiêm bái.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, cho biết: Ban Quản lý di tích đã thực hiện tuyên truyền, quán triệt tinh thần không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết. Theo đó, Ban thực hiện kiểm soát người dân, du khách đi lễ một cách chặt chẽ thông qua việc hướng dẫn quét mã QR, khai báo y tế. Cùng với đó, các nghi lễ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân cũng được thực hiện trang nghiêm, ngắn gọn, tiết kiệm, không tập trung đông người nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lễ.
Thực tế hai năm sống chung với dịch Covid-19, người dân đã dần thay đổi suy nghĩ, thói quen để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch, trong đó có việc đi lễ chùa đầu năm. Nhận thức và thái độ ứng xử văn hóa khi đi lễ chùa của cộng đồng đã có những thay đổi.
Chị Lương Thu Thảo (du khách TP Hà Nội), đi du xuân Yên Tử, chia sẻ: Gia đình tôi năm nào cũng tổ chức đi lễ chùa cầu bình an cho năm mới. Năm nay, đến với di tích danh thắng Yên Tử không còn thấy cảnh người người đông đúc, xếp hàng dài chờ lễ bái như mọi năm. Không gian từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng khoáng đạt, dễ chịu hơn nhiều. Thật sự, không gian chùa thoáng đãng, lượng người không quá đông đúc đã tạo cơ hội để mỗi người tự chiêm nghiệm, tìm sự bình an cho chính mình. Tôi cũng như rất nhiều du khách cũng dành thêm thời gian để vãn cảnh chùa, tìm hiểu thông tin về di tích, tích lũy thêm kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử địa phương thay vì chỉ tập trung vào việc lễ bái.
Phong tục đi lễ đền, chùa đầu xuân là nét đẹp văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng của người Việt Nam. Song để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, nhiều người lựa chọn tu tại gia hoặc tham gia các buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi. Dù bằng cách này hay cách khác, khi biết trân trọng, nâng niu, ứng xử văn minh với nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mỗi người đều cảm nhận trọn vẹn được giá trị của sự bình an, hạnh phúc để đón năm mới an lành, đủ đầy.
Trong những ngày tới, nhu cầu đi lễ đền, chùa đầu năm sẽ tăng cao, song hi vọng, mỗi người dân, du khách sẽ tiếp tục thể hiện ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch an toàn, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở thờ tự, điểm di tích. Qua đó, góp phần xây dựng và gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh, truyền thống văn hóa mà bao đời ông cha vun đắp.
Vân Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()