Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 12/12/2024 09:36 (GMT +7)
Di tích chiến thắng Bạch Đằng: Danh có chính thì ngôn mới thuận
Thứ 4, 17/04/2019 | 16:41:43 [GMT +7] A A
Thời gian qua, trên các báo, mạng xã hội có nhiều tranh luận về Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên và “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) đâu là di tích “xịn”, đâu là di tích “giả”. Tôi thấy cần nói rõ thêm về “hai cụm di tích Bạch Đằng” này.
Về “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Thuỷ Nguyên
Trên địa bàn xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên có hai di tích lịch sử Bạch Đằng đã được xếp hạng cấp quốc gia. Thứ nhất là khu vực núi đá Tràng Kênh phong cảnh hữu tình gồm các núi Phượng Hoàng, Hoàng Tôn, Con Rùa, Con Hươu, U Bò, Mỏ Vịt, Lò Rượu, Chín Đèn… và các áng lạch quanh chân núi mà quân nhà Trần đã mai phục để tiêu diệt đoàn thủy quân của giặc Nguyên Mông năm 1288. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm được nhiều hiện vật và mộ thuyền có niên đại 3.500 năm của người Việt cổ.
Do vậy, dãy núi Tràng Kênh được Bộ Văn hóa Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Quyết định số 313VH/VP ngày 28/4/1962 xếp hạng là di tích khảo cổ và di tích lịch sử.
Tượng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo tại "Khu di tích Bạch Đằng Giang", Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: baotintuc.vn |
Di tích thứ hai là Đền thờ Hoàng tôn Trần Quốc Bảo trên núi Hoàng Tôn. Tuy nhiên, sau khi xếp hạng di tích và danh thắng quốc gia thì dãy núi Tràng Kênh bị khai thác đá làm xi măng và bị phá hủy nặng nề.
Người xưa có câu “Nhất cao là núi U Bò. Nhất đông chợ Giá, nhất to sông Rừng”, giờ núi U Bò chỉ còn bé tý. Tương lai các núi đá Tràng Kênh sẽ bị Nhà máy Xi măng Chinfon khai thác hết. Di tích lịch sử quốc gia dãy Tràng Kênh sẽ không còn, chỉ còn đền thờ Hoàng tôn Trần Quốc Bảo đứng trơ trọi nhìn ra sông Đá Bạc, phía xa là sông Bạch Đằng.
Mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng tại "Khu di tích Bạch Đằng Giang". Ảnh: laodong.vn |
Theo Điều 28, 29 Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009 thì các đền thờ Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo và chùa thờ Phật, bãi cọc xi măng mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng tại Tràng Kênh (Hải Phòng) không phải là các di tích lịch sử văn hóa. Các công trình này mới được xây dựng từ năm 2008 trở lại đây.
Nếu nói phục dựng các công trình này cũng không phải, vì xưa kia ở địa điểm này ông cha ta cũng không xây dựng đền thờ Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn. Ngô Quyền, Lê Hoàn, cũng không có tư liệu nào nói gắn với địa điểm này để có di tích. Khu vực cắm các cọc bê tông tại “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh cũng không phải là nơi ông cha ta cắm cọc. Do đó, làm bãi cọc giả ở nơi này sẽ làm sai lệch nhận thức lịch sử của người dân và du khách.
Đền thờ Lê Hoàn tại "Khu di tích Bạch Đằng Giang". Ảnh: haiphong.gov.vn |
Đến nay, các nhà khảo cổ mới tìm thấy bên tả ngạn sông Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) có các bãi cọc trận năm 1288 đó là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa. Các nhà khoa học đến nay cũng chưa xác định được khu vực cụ thể nào trên sông Bạch Đằng diễn ra chiến trận của Lê Hoàn đánh quân Tống năm 981. Còn đền thờ Ngô Quyền thì rất rõ hiện ở Từ Lương Xâm, quận Hải An (Hải Phòng) - nơi Ngô Quyền đặt đại bản doanh chỉ huy trận đánh quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng năm 938.
Duy nhất khu “Di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh có một hiện vật “xịn” được giới thiệu trong nhà Trưng bày, đó là cây cọc Bạch Đằng 1288 lấy từ bãi cọc Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Xem hiện vật này, du khách sẽ lầm tưởng nơi đây có bãi cọc thật.
Cọc gỗ trận Bạch Đằng 1288 - hiện vật "xịn" ở "Khu di tích Bạch Đằng Giang" nhưng có nguồn gốc từ bãi cọc Yên Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh). |
Cũng phải nói thêm rằng các công trình của khu “Di tích Bạch Đằng Giang” nằm bên cuối sông Đá Bạc chứ không phải cửa sông Bạch Đằng như nhiều thông tin đã nêu. Các sử cũ đều ghi “sông Bạch Đằng do sông Giá và sông Đá Bạc hợp lại mà thành” đổ ra biển bằng hai cửa, cửa Bạch Đằng (Nam Triệu) và cửa Lạch Huyện (bến Gót). Do không phải là các di tích lịch sử nên vào thăm khu công trình này, du khách sẽ không nhìn thấy Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia hoặc cấp thành phố đặt ở trong các đền thờ Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn như bao di tích khác. Thế mà không hiểu sao trên cổng vào khu công trình này lại đề là “Khu di tích Bạch Đằng Giang”?.
Nên đổi tên cho phù hợp
Danh có chính thì ngôn mới thuận. Trước sau thì nhân dân cũng sẽ gọi đúng tên của nó.
Về tên gọi cho “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh, tôi đồng tình với một bài viết đăng ngày 31/1/2015 trong Hải Phòng Facebook, có đoạn: “Bên cạnh đó, khu Linh từ Tràng Kênh - Bạch Đằng, gồm các đền thờ Đức Ngô Vương Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chùa thờ Phật dự kiến được đầu tư mở rộng trở thành “Công viên Chiến thắng Bạch Đằng”, tương lai sẽ trở thành địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (đề tài nghiên cứu luận cứ khoa học tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thủy Nguyên chủ trì, đã cơ bản hoàn thành)…"
Theo tôi, tại cổng vào “Khu di tích Bạch Đằng Giang” nên thay hàng chữ “Khu di tích Bạch Đằng Giang” thành “Công viên Chiến thắng Bạch Đằng” là hợp lý nhất.
"Khu di tích Bạch Đằng Giang" nên đổi tên là "Công viên Chiến thắng Bạch Đằng" (nguồn ảnh: haiphong.gov.vn) |
Thực tế, không ai phủ nhận giá trị các công trình này. Bản thân tôi và các du khách rất ngợi ca là từ năm 2008 đến 2016 bằng nguồn công đức của các nhà hảo tâm, các công trình thuộc “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh (Hải Phòng) là những công trình văn hóa có tác dụng lớn trong giáo dục truyền thống và phát triển du lịch được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa. Rất đáng ca ngợi công tác quản lý khu công viên “3 không” ở đây.
Thiết nghĩ, gọi tên là “Công viên Chiến thắng Bạch Đằng”, làm tốt công tác quản lý và phát huy tốt các công trình tưởng niệm này sẽ chẳng giảm đi giá trị giáo dục truyền thống mà lại danh chính ngôn thuận.
Về Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng ở Quảng Yên
Hiện trường khai quật bãi cọc Đồng Má Ngựa (TX Quảng Yên) năm 2010. Ảnh: Trần Minh |
Ngày 27/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng khu di tích lích sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt, gồm các di tích: Bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Vạn Muối, bãi cọc đồng Má Ngựa, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến Đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản thuộc thị xã Quảng Yên và đình Đền Công thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh (bấy giờ, di tích quốc gia dãy núi Tràng Kênh đã bị tàn phá nặng nề nên không thể đưa vào di tích đặc biệt được).
Nghi lễ rước tượng Đức thánh Trần từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang tại Lễ hội Bạch Đằng, TX Quảng Yên ngày 12/4/2019. Ảnh: Lê Đồng Sơn |
Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy tác dụng khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với kinh phí ban đầu là 800 tỷ đồng. Tuy vậy, đến nay tỉnh Quảng Ninh mới làm được các công trình tôn tạo đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản và thành phố Uông Bí đã làm được đình Đền Công, miếu Cu Linh. Còn các hạng mục quan trọng nhất là tôn tạo 3 bãi cọc, xây dựng khu trưng bày và tái hiện lịch sử, khu quảng trường trung tâm và các công trình văn hóa khác thì chưa làm được. Như vậy là quá chậm.
Thiết nghĩ, vấn đề tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng ở Quảng Yên, tỉnh nên tăng cường đầu tư sớm để đáp ứng mong mỏi của nhân dân cả nước, không nên trông chờ vào ngân sách Trung ương.
Lê Đồng Sơn
(nguyên Trưởng phòng Văn hoá TX Quảng Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()