Tất cả chuyên mục

Đền Cửa Ông, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia vào năm 1989. Cùng với Kiếp Bạc (Hải Dương), Yên Tử (Uông Bí), đền Cửa Ông là một trong những di tích có liên quan đến nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc. Đền gắn với quá trình thiêng hoá một vị anh hùng dân tộc có công đánh giặc cứu nước - Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Ngoài thờ Trần Quốc Tảng, đền còn thờ khá đầy đủ gia thất và những cận thần của triều Trần. Du khách khi đến vãn cảnh, thăm đền Cửa Ông sẽ được chiêm ngưỡng một bảo tàng lịch sử sống động về thân thế và sự nghiệp của các vị công thần thời đại nhà Trần. Sự kiện Trần Quốc Tảng có mất tại Cửa Suốt như nhiều người vẫn nghĩ hay không, vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới sử học. Chính vì vậy, đây không những là điểm di tích lịch sử văn hoá hấp dẫn du khách mà còn là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học.
Những giá trị của di tích đền Cửa Ông tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour du lịch tìm hiểu về hệ thống di tích nhà Trần ở Quảng Ninh hoặc tour du lịch liên tỉnh cũng với nội dung tìm hiểu di tích thời nhà Trần. Di tích thuộc địa phận TP Cẩm Phả là địa điểm trung gian của 3 khu trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh đó là: Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái. Đền Cửa Ông lại nằm ven quốc lộ 18A - tuyến đường thông thương từ Hà Nội đi Hạ Long, Móng Cái. Giao thông thuận tiện là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch, tạo lập các tour, tuyến du lịch phong phú và hấp dẫn. Ngoài ra, đền Cửa Ông nằm trong hệ thống các khu du lịch và các tuyến du lịch trọng điểm của du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Cũng theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020, đền Cửa Ông nằm trong 10 tuyến du lịch ưu tiên phát triển của tỉnh. Lựa chọn này tạo cơ hội lớn cho du lịch TP Cẩm Phả nói chung và di tích lễ hội đền Cửa Ông nói riêng. Nguồn ngân sách đầu tư cho hoạt động du lịch tại nơi này được chú trọng. Nhiều dự án du lịch sẽ được triển khai trong tương lai. Cùng với những dự án này, hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch của Cẩm Phả sẽ có bước phát triển mới làm thay đổi diện mạo, chất lượng ngành du lịch nơi đây.
Mặt khác, lễ hội đền Cửa Ông là yếu tố thu hút khách và tạo ra các chương trình du lịch lễ hội. Kể từ khi được phục hồi lại vào năm 1996, tính đến nay, lễ hội đền Cửa Ông ngày càng được tổ chức quy củ và khoa học. Hội đền Cửa Ông diễn ra trong thời gian dài, ba tháng đầu xuân. Chính hội diễn ra từ ngày 2-2, kết thúc vào 4-2 âm lịch. Lễ hội đền Cửa Ông được đánh giá là một trong những lễ hội lớn có quy mô cấp tỉnh, thu hút được sự quan tâm của nhân dân trong tỉnh và những tỉnh lân cận.
Tổng hoà của những lợi thế trên, di tích đền Cửa Ông hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của di tích trong thời điểm hiện tại chưa thực sự được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng du lịch của di tích. Biểu hiện rõ rệt ở tính chất mùa vụ, số lượng khách tới tham quan di tích tập trung cao điểm trong mùa lễ hội, ước trên 20 vạn người và thấp điểm sau mùa lễ hội. Cơ sở vật chất bổ trợ cho hoạt động du lịch tại di tích còn nhiều hạn chế. Tại di tích chưa có đội ngũ hướng dẫn viên. Các chương trình du lịch có tham quan đền Cửa Ông hiện nay do các công ty lữ hành xây dựng còn nghèo nàn về nội dung...
Để khắc phục tình trạng trên và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch của di tích, thiết nghĩ TP Cẩm Phả và cơ quan chức năng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cần phải phối hợp xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với di tích và lễ hội đền Cửa Ông. Cụ thể là xây dựng các chương trình du lịch lễ hội, du lịch tham quan hệ thống di tích liên quan tới triều Trần, chương trình du lịch kết hợp tham quan nghỉ dưỡng, thương mại và du lịch văn hoá. TP Cẩm Phả cần chú trọng xây dựng thêm các cơ sở lưu trú du lịch, các khu vui chơi giải trí, khu thương mại, đầu tư nâng cấp các khu dịch vụ xông hơi, massage, tắm nước khoáng nóng nhằm tận dụng tốt nguồn nước khoáng thiên nhiên; quan tâm xây dựng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên; xây dựng và đa dạng hoá các mặt hàng lưu niệm. Trong quá trình phát triển hoạt động du lịch cần chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa du lịch và văn hoá.
Hy vọng những đề xuất giải pháp cho hoạt động du lịch tại di tích đền Cửa Ông là lời gợi mở cho các nhà quản lý đẩy mạnh hoạt động du lịch tại di tích, phát triển xứng tầm với giá trị di tích cũng như tiềm năng du lịch của đền Cửa Ông.
Đỗ Thanh Thuý (Sở VH-TT&DL)
Ý kiến ()