Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 16:01 (GMT +7)
Đi tìm câu hát giao duyên
Thứ 3, 24/01/2023 | 13:57:39 [GMT +7] A A
Những đóa hoa đào hé nở khắp các bản làng báo hiệu xuân về, những thửa ruộng chỉ còn gốc dạ vàng hươm cho thấy mùa nông nhàn đã đến... Đây cũng là thời gian bà con từ miền núi đến miền biển ở Quảng Ninh được “đắm mình” trong các lễ hội, đắm mình trong các điệu hát truyền thống của quê hương vừa da diết, vừa say đắm lòng người.
Da diết điệu Nhà tơ
Ngày bé, tôi thường ở nhà ông bà nội tại huyện Đầm Hà. Bởi vậy, những câu hát giao duyên mặn mòi của người dân vùng biển nơi đây luôn thẫm đẫm trong ký ức tuổi thơ tôi.
Tôi nhớ hơn cả là những làn điệu mượt mà của hát Nhà tơ. Theo Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự, gần 100 tuổi ở xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), hát Nhà tơ ở đây có từ nhiều đời nay. Hát Nhà tơ chủ yếu kết hợp hát, múa trong đình, cửa đình, bởi vậy còn được gọi là Hát, múa cửa đình. Hát có 9 điệu: Giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng xà lam (ca trù), giọng hãm và giọng thập nhị tứ hiếu. Để hát được các làn điệu, ca nương khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ, khi lên bổng, lúc xuống trầm, lúc lại ngân nga dìu dặt, tạo sự uyển chuyển trong từng làn điệu, vừa hát vừa gõ nhịp phách.
Hát Cửa đình trong hát Nhà tơ thường đậm chất tín ngưỡng, mong ước có được mùa màng bội thu, cá tôm đầy thuyền, học giỏi đỗ cao, sống may mắn, bình an… “Chúc phú quý, chúc thọ khang nhá/ Chúc người làng tôi phật độ, thánh phù nhá/ Chúc người học giỏi phúc nghiêm học giỏi nhá”...
Cùng với hát cửa đình, tại các lễ hội làng, điệu hát Nhà tơ được các chàng trai, cô gái trong làng vận dụng trở thành những câu hát giao duyên. Qua đó, vào những lúc nông nhàn, buổi hội làng, những phút giây lao động khi dân làng quây quần bên sân hợp tác xã để tách ngô, vặt lạc..., những đêm trăng sáng, các tốp nam thanh, nữ tú gặp nhau trò chuyện... thì những điệu hát Nhà tơ mềm mại lại cất lên ngọt ngào khắp thôn, xóm. Chất giọng nặng nặng, kéo dài ở cuối câu của người dân Đầm Hà khiến điệu hát càng trở nên da diết: “Cầu này cầu ả cầu ân/ Một trăm cô gái vẫn đi cầu này/ Cầu này cầu nghĩa cầu tình/ Cầu cho duyên số chúng mình lấy nhau/ Cầu này em chẳng đi đâu/ Anh về xẻ ván bắc cầu em qua”; “Trai đi thi gái thời thêu dệt nhá/ Lúa một đòng lại nở đôi bông nhá"...; những lời đối đáp trêu đùa nhau “Cầm tay em lại làm chi/ Nhắn thì nhắn mãi em đi kịp người"...
Những câu hát giao duyên trong hát Nhà tơ vận dụng trong đời sống hằng ngày ấy giúp cho điệu hát càng thêm gần gũi, tạo thêm không khí lao động hăng say.
Mênh mang lời ca sông nước
Không chỉ có điệu hát Nhà tơ ở các huyện miền Đông ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, mà người dân vùng biển còn có những làn điệu khác để cổ vũ lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa; trong đó có hát Đúm ở khu vực bán đảo Hà Nam của TX Quảng Yên.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Quyết, Chủ nhiệm CLB hát Đúm TX Quảng Yên, hát Đúm ở vùng bán đảo Hà Nam đã có lịch sử từ hơn 500 năm, khi 19 vị Tiên công đến khai phá vùng đất này. Bởi vậy, hát Đúm thường được thực hiện trong Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Hội Chùa làng, Lễ hội Xuống đồng…
Hát Đúm có 15 làn điệu chính. Ngày ấy, trai gái trong làng thường hát Đúm để giao duyên, kết bạn. Hát Đúm thuộc loại hình ca dao, dân ca và chỉ duy nhất một làn điệu, không có nhạc đệm. Để hát Đúm, tốp nam, tốp nữ 5-20 người đối đáp lời nhau; lời đối, lời đáp phải logic. Lời hát do dân gian sáng tác và truyền miệng từ nhiều đời, mỗi đời thêm bớt, sửa một chút, chủ yếu được đặt theo thể lục bát, lục bát song thất, lục bát biến thể; có lúc được biến tấu thành thể thơ tự do nhằm chuyển tải được ý của người hát.
Vào mùa lễ hội ở Quảng Yên, khi được nghe các ông, các bà hát Đúm càng cảm nhận rõ hơn cái tinh tế, mộc mạc của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Những giai điệu luyến láy, nhấn giọng đòi hỏi sự tinh tế của người hát làm cho làn điệu càng thêm tình tứ, dịu dàng giản dị: “Trầu này từ tối hôm qua/ Kính thầy, kính mẹ rồi ra cho nàng/ Trầu này trầu đậm, trầu vàng/ Không úa, không thuốc mời nàng cứ ăn”, “Nhà em chèo mũi cũng ngoan/ Hai tay em dẻo như đàn năm cung/ Chồng chưa? Thú thật anh cùng/ Để anh khấn nguyện tơ hồng kíp se"; "Rằng duyên kết bạn mình ơi”… Những câu hát đi vào tiềm thức của người dân trên bán đảo Hà Nam như món ăn tinh thần của bà con vùng biển. Năm 2003, CLB hát Đúm Yên Hưng (nay là CLB hát Đúm TX Quảng Yên) ra đời. Đến nay CLB có 18 thành viên tham gia, chủ yếu là người cao tuổi. Những nghệ nhân yêu hát Đúm nơi đây đang từng ngày dồn nỗ lực, tâm huyết để sưu tầm và truyền dạy hát Đúm cho các bạn trẻ. CLB hiện phối hợp với các trường THCS trên địa bàn thị xã để dạy hát Đúm cho học sinh.
Câu hát giao duyên ở làng chài Hạ Long cũng có nhiều hình thức, như: Hò biển, hát đám cưới trên thuyền. Không gian diễn xướng của cuộc hát rất rộng mở, thường diễn ra trên biển, giữa các thuyền với nhau, giọng hát tuy mềm mại, chậm rãi nhưng không kém phần khỏe khoắn, vang vọng, pha chút mênh mang, trữ tình.
Ngày xưa, người làng chài Cửa Vạn đi biển thường mượn câu hát chào hỏi nhau, đố vui để xua tan cái mệt nhọc. Các chàng trai, cô gái mượn câu hò để làm quen, tỏ tình hoặc bày tỏ tâm tư khi tình duyên trắc trở... Bởi vậy lời hát khi kín đáo e ấp: “Đố anh tát cạn nước bè/ Thì em quét sạch lá tre trên rừng/ Đố em quét sạch lá rừng/ Để anh khuyên gió, gió đừng rung cây/ Đố em biết lúa mấy cây/ Biết sông mấy nhánh, tàu Tây mấy chèo”, hay những lời giận hờn như thể trải lòng mình với mênh mang sóng nước: “Tiếc thay duyên muộn mà phiền/ Đã chăn cùng chiếu lại phiền lòng ta”... Những lời hát đám cưới, hát giao duyên ở làng chài Hạ Long giờ trở nên hiếm hơn, nhưng mỗi lần được nghe đều thấy dạt dào trong mênh mang sông nước.
Ngọt ngào “tính tẩu so dây”
Ca dao, dân ca các dân tộc Quảng Ninh là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, có nhiều giá trị về mọi mặt. Từ nơi sông nước, trở về với những cánh rừng xanh mướt, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn các xã miền núi huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ…; nghe tiếng đàn tính với những nốt tính tẩu so dây đầm ấm, giọng hát Then ngọt ngào của người Tày khiến mọi du khách càng thêm mê đắm: “Ruộng bậc thang uốn lượn trong mây/ Bông lúa chiêm, mùa trĩu hạt nặng tay/ Câu hát giao duyên dập dìu đôi lứa/ Đậm đà say đắm chợ tình Đồng Văn/ Về nơi đất trời bình yên/ Nơi tình yêu của cha, nơi rừng quế, rừng hồi/ Nơi tình yêu của mẹ, rừng hoa sở nở trắng tinh khôi”...
Ở huyện Bình Liêu, người Tày chiếm trên 51% dân số, là cộng đồng dân tộc đông nhất và là đại diện những nét văn hóa đặc trưng tộc người Tày ở Quảng Ninh, trong đó có làn điệu hát Then. Theo nghệ nhân Lương Thiêm Phú (thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu), hát Then của người Tày ở Bình Liêu có từ xa xưa. Then của dân tộc Tày trước đây thiên nhiều về cúng bái cầu mùa, cầu bình an gắn vào các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Sau được người dân sáng tác, lời hát Then chắt lọc chứa đựng nhiều tri thức dân gian về lý lẽ cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với cộng đồng, gắn với thực tiễn đời sống hằng ngày của người dân, cũng là phương thức giao lưu, giao duyên giữa trai gái: “Bản em có dòng sông xanh mát/ Ruộng bậc thang xanh ngát lúa tươi/ Núi cao thấp cây tươi xanh tốt/ Dồn lại để đẹp nốt Bình Liêu”.
Đàn tính của người Tày Bình Liêu cũng chỉ có 2 dây so với đàn tính 3 dây của dân tộc Tày ở các tỉnh, thành khác. Vào dịp lễ hội, tết, đám cưới, tổ chức cuộc vui, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, điệu hát Then và tiếng tính tẩu của đàn tính vang lên hòa quyện vào cảnh sắc của núi rừng quyến luyến mãi không thôi: “Xuân này về đâm chồi nảy lộc/ Khéo chăm hoa sẽ nở đầy cành/ Thấy em khéo léo lời em nói/ Nhất định rồi ta sẽ thành đôi”...
Câu Soóng cọ nặng nghĩa, nặng tình
Người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu tự hào khi nói về điệu Soóng cọ của dân tộc mình. Theo nghệ nhân Trạc A Thìn (bản Lục Ngù, xã Húc Động), người Sán Chỉ vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về cô gái tên là Làu Slam được chim thần dạy cho nhiều bài hát rất hay. Cô đã đi khắp nơi để hát và dạy mọi người hát. Lời hát làm cho người ốm khỏe lại, con người thấy yêu đời hơn, mạnh khỏe hơn, cây lúa trên nương cũng trổ bông trĩu hạt, con chim trời ngẩn ngơ quên hót... Cô đi mãi đến nỗi mệt lả người, chết đi và hồn hóa vào cây thông bốn mùa reo hát. Từ đó, những người Sán Chỉ hát với nhau gọi là Soóng cọ (xướng ca).
Hát Soóng cọ hiện được duy trì khá tốt ở xã Húc Động. Nơi đây có Lễ hội Soóng cọ được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Những cô gái, chàng trai, người già, trẻ nhỏ đều xúng xính trong trang phục truyền thống, ngân nga khúc hát giao duyên. Mỗi câu hát giao duyên, người Sán Chỉ thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng. Làn điệu ấy có thể cất lên trong dịp chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình. Lời ca Soóng cọ thường mộc mạc, giản dị, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ: “Anh đến với em làm bạn/ Anh em mình tìm hiểu và yêu nhau”, “Tiếng em nói chuyện điệu nhẹ nhàng/ Giọng nói nghe như chim yến hót/ Anh nói yêu em chỉ là nói/ Em nói yêu anh mới thật lòng”...
Để hát Soóng cọ, thường thì một nam và một nữ đối diện, có thể nhiều tốp hát đối với nhau. Thông qua những làn điệu ấy, các chàng trai, cô gái người Sán Chỉ có thể kết bạn, tỏ tình với nhau; đã không ít cặp nên vợ, nên chồng. Người lớn, người cao tuổi còn dùng những câu hát Soóng cọ để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong cuộc sống…
Những câu hát giao duyên trong Ngày hội Soóng cọ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu. Làn điệu khoan thai, nhẹ nhàng tạo nên sự gần gũi, động viên nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Nó giống như sợi dây gắn kết cộng đồng người dân, tạo không gian đậm sắc màu của vùng cao Quảng Ninh. Hát Soóng cọ không có nhạc đệm như hát Then của người Tày, nhưng bay bổng, hấp dẫn, níu kéo chân mọi người: “Khèn lá rung rinh gọi bạn xa/ Soóng cọ thấp thoáng bay la đà/ Đi tìm ai trong câu hát đối/ Lòng bâng khuâng xao động bồi hồi”...
Gìn giữ những câu giao duyên
Quảng Ninh hiện có nhiều loại hình dân ca tiêu biểu: Hát chèo đường, hát đám cưới trên Vịnh Hạ Long; hát Đúm ở Quảng Yên; hát chèo ở Đông Triều; hát Nhà tơ ở Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; hát Soóng cọ, Sáng cố, Then, Pả dung ở Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu...
Ngày nay, dù chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại, nhưng các làn điệu này vẫn có sức sống mãnh liệt, bởi nó mang những giá trị tốt đẹp, mang tính giáo dục to lớn, góp phần bồi đắp tình cảm, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Quảng Ninh.
Gìn giữ những làn điệu dân tộc của quê hương đã giúp Quảng Ninh có nhiều những Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân dân gian được Nhà nước công nhận, như: Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự (huyện Đầm Hà) và các Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Lận, Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Lộc (TP Móng Cái) với loại hình hát Nhà tơ; các Nghệ nhân Ưu tú Ngô Đăng Nhuận, Phạm Thị Thành, Phạm Thanh Quyết, Phạm Thị Hợp (TX Quảng Yên) với loại hình hát Đúm; Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên và các nghệ nhân Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, Lương Thiêm Phú, Lương Thiêm Thành (huyện Bình Liêu) với loại hình hát Then cổ; Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Hang (huyện Tiên Yên) với loại hình hát Then…
Họ cũng chính là những người đã xây dựng nhiều CLB, đội văn nghệ ở các xã miền biển, miền núi; qua đó truyền dạy những điệu hát cho các thế hệ trẻ để giữ gìn, lưu truyền, trau truốt và quảng bá ca dao, dân ca dân tộc, địa phương, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Và những thế hệ trẻ được truyền lửa ấy tiếp tục mang những giọng ca, lời hát của cha ông hòa quyện vào rừng núi, bản làng; dìu dặt trên những nương lúa; lan tỏa trên sóng nước của biển trời mênh mang… giúp Quảng Ninh thêm quyến rũ, say đắm lòng người hơn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()