Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 12/12/2024 06:47 (GMT +7)
Địa danh ở Quảng Ninh qua các truyền thuyết dân gian
Chủ nhật, 16/02/2020 | 15:05:11 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có kho tàng truyện cổ dân gian vô cùng phong phú, bao gồm đầy đủ các thể loại, đặc biệt là truyền thuyết lý giải các địa danh ở Quảng Ninh.
Ảnh Vịnh Hạ Long do một người Pháp chụp vào đầu thế kỷ 20. |
Các truyện kể hiện tồn tại nhiều nhất ở vùng Hà Nam (TX Quảng Yên), vùng Vịnh Hạ Long, một số ở Móng Cái, Vân Đồn. Trong số này, nhóm truyện kể lí giải sự hình thành các địa danh chiếm một số lượng tương đối lớn với nhiều cốt truyện, chi tiết phong phú, hấp dẫn.
Chiếm nhiều nhất trong nhóm các truyện kể dân gian Quảng Ninh lí giải sự hình thành các địa danh chính là các truyền thuyết gắn với hình tượng rồng - vốn quen thuộc trong đời sống tâm linh của con người. Ông cha ta đã lấy chữ “Long” hoặc chữ “Rồng” để đặt tên sông, tên núi, tên đất, hồ, biển dưới dạng từ Hán Việt hay tên Nôm. Với nhân dân Quảng Ninh, điều này được thể hiện đậm nét.
Từ xưa nhân dân vùng Hòn Gai đã dùng trí tưởng tượng và liên tưởng phong phú của mình mà thêu dệt nên truyền thuyết về Vịnh Hạ Long. Với những liên tưởng phong phú, dân gian đã có nhiều cách lí giải khác nhau về sự hình thành Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất và trong tâm thức của người Quảng Ninh từ thời tiền sử, với trí tưởng tượng dân gian bay bổng và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên đã chọn một cách lí giải độc đáo và thơ mộng như vậy về hình thù Vịnh.
Ở Quảng Ninh, không chỉ có Vịnh Hạ Long có truyền thuyết dân gian liên quan đến rồng mà còn có nhiều địa điểm khác cũng có tên gắn với hình tượng rồng cùng những truyền thuyết được thêu dệt. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh còn có 33 địa danh lớn nhỏ mang tên rồng, trong đó có một thị trấn (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), một thôn (thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà), khu dân cư Mắt Rồng thuộc phường Phương Đông (Uông Bí). Các địa danh còn lại là tên núi, cánh đồng, xứ đồng, khe suối, sông ngòi, đảo, giếng nước, cảng (cảng Cái Rồng), đập (đập Mắt Rồng) v.v.
Song hành với niềm tin và sự ngưỡng vọng dành cho thần tiên là niềm tin vào sự hiện diện của Phật. Những địa danh như: Đèo Phật Chỉ (đèo Phật dừng, có chỗ đọc là Phạt Chỉ) ở giữa Bình Liêu (Quảng Ninh) và Đình Lập (Lạng Sơn), đèo Bụt giữa Hạ Long và Cẩm Phả, chùa Sâu (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) – nơi có vết chân Bụt lõm trên đá gần với truyền thuyết về ông Bụt, ông Phật phản ánh niềm tin vào tiên, Phật luôn thường trực trong tâm thức dân gian của người Quảng Ninh. Mặt khác, những địa danh và những truyền thuyết dân gian lý giải các địa danh còn cho thấy người Quảng Ninh rất tự hào về nơi sinh sống của mình. Trong con mắt của họ, đó xứng đáng là những chốn bồng lai, tiên cảnh.
Một căn nhà của bà con bản Phật Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu). |
Đáng chú ý, trong nhóm truyện cổ về các địa danh của Quảng Ninh, truyện “Ông khổng lồ gánh đá lấp biển” của người dân vùng Bang - Trới lí giải về sự hình thành những đảo đá, vũng vịnh ở Vịnh Hạ Long một cách rất logic, chặt chẽ. Truyện “Ông khổng lồ gánh đá lấp biển” của người vùng biển Đông Bắc vừa nhằm lý giải những tên núi, tên sông, đồng thời, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của người Quảng Ninh, niềm kiêu hãnh tự hào về cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sông núi hữu tình vùng Vịnh Hạ Long xinh đẹp.
Quảng Ninh còn có rất nhiều truyện kể dân gian gắn với di tích và danh thắng Yên Tử. Mỗi địa danh đều có sự tích, truyền thuyết gắn với quá trình tu hành khổ hạnh của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tam Tổ Trúc Lâm như: Sự tích Suối Giải Oan, làng Nương, làng Mụ dưới chân Yên Tử, làng Năm Mẫu, chùa Lân...
Mỗi địa danh ở Yên Tử đều có sự tích, truyền thuyết gắn với quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Cùng với Vịnh Hạ Long và danh thắng Yên Tử, các địa danh liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng hay liên quan đến di tích nhà Trần ở Đông Triều cũng mang trong nó nhiều truyện kể dân gian hấp dẫn. Về điểm này, Tiến sĩ Hoàng Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho rằng: Không chỉ các địa danh gắn với các di tích lịch sử mới có huyền thoại, truyền thuyết mà mỗi vùng đất Quảng Ninh là một pho truyền thuyết. Mỗi truyện cổ đều thể hiện cách nhìn, cách nghĩ và lẽ sống của quần chúng nhân dân. Trải qua thời gian, các yếu tố kì ảo, hoang đường trong những câu chuyện xưa vẫn được người dân lưu truyền, kể lại từ đời con sang đời cháu với niềm tin dân gian mãnh liệt vào những điều huyền diệu gắn với hồn thiêng sông núi. Và đó chính là một phần làm nên hồn cốt con người nơi đây: Sự tự hào, tự tôn về mảnh đất và con người Quảng Ninh.
Huỳnh Đăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()