Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:57 (GMT +7)
Địa danh Quảng Ninh: Một công trình tra cứu hữu ích
Chủ nhật, 28/02/2021 | 09:50:01 [GMT +7] A A
Cùng với Địa chí Quảng Ninh, Địa danh Quảng Ninh xưa và nay là một công trình khoa học được UBND tỉnh giao cho Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) thực hiện. Đối tượng nghiên cứu của địa danh Quảng Ninh rất rộng, bao gồm cả quá khứ và hiện tại, góp phần định hướng cho sự phát triển của tỉnh và các địa phương.
Một số địa danh ở Đông Triều xuất hiện từ thời Trần. |
Địa danh Quảng Ninh xưa và nay được nhóm tác giả Tống Khắc Hài, Nguyễn Cảnh Loan và Nguyễn Văn Ái khởi xướng, khơi thông bắt đầu từ năm 1996. Từ năm 2017, công trình nhận được sự tham gia của các thành viên Hội VNDG Việt Nam, Hội VNDG Quảng Ninh, một số cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh và cán bộ Phòng VH-TT của các địa phương trong tỉnh. Nhóm tác giả đã phát ra 2.198 phiếu điều tra và đã thống kê được hơn 41 nghìn địa danh các loại về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng.
Từ các dữ liệu đó, ban biên tập đối chiếu với các văn bản hành chính có trong “Đồng Khánh Dư địa chí”, “Nguyễn Trãi toàn tập”, tờ trình của đạo quan binh số 1 vào năm 1930, “Niên giám Đông Dương” xuất bản năm 1906, đã phát hiện tỉnh ta có trên 100 tên huyện, xã có tuổi đời từ 100 đến 700 năm. Trong hơn 100 địa danh trên có những danh xưng từ thời Hai Bà Trưng (như Quỷ môn quan), thời Lý (Vân Đồn, Hoành Bồ), nhiều nhất thời Trần (ví dụ như Đông Triều, Yên Hưng, An Sinh), thời Nguyễn bổ sung nhiều như: Huyện Nghiêu Phong, phủ Sơn Định, làng Hướng Hóa, xã Quang Châu v.v.
Địa danh Vân Đồn có từ thời nhà Lý. |
Mỗi địa danh luôn chất chứa những dấu ấn của lịch sử xã hội, có khi gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Vì thế tìm hiểu địa danh là nhu cầu cao đẹp của tình yêu quê hương đất nước. Địa danh phản ánh tinh tế quá trình nhận thức, một mặt cũng là thước đo của quá trình tổ chức xã hội. Địa danh cũng là khối từ vựng đồ sộ giàu sắc thái đặc thù trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, lại là bằng chứng không thể chối cãi của lịch sử.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Địa danh Quảng Ninh có một ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống. Qua địa danh, chúng ta có thể hiểu thêm nhiều mặt về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương trong tỉnh.
Địa danh Quảng Ninh cũng khai thác chỉ ra lịch sử các địa danh, sự thay đổi địa danh (tính khả biến của địa danh). Ví dụ như thị xã Hòn Gai đổi là thành phố Hạ Long, huyện Cẩm Phả đổi thành huyện Vân Đồn. Nhiều địa danh đã biến mất không còn được dùng nữa như tổng Đồn Độ, tổng Trung Lương, xã Vĩnh Ninh, huyện Yên Lạc.
Nhiều đơn vị hành chính mới được thành lập hay được chia tách đã được đặt tên làm phong phú thêm kho tàng địa danh Quảng Ninh. Các địa danh ấy được đặt theo chữ đầu của địa danh hành chính lớn hơn. Ví dụ Cẩm Phả có Cẩm Đông, Cẩm Phú, Cẩm Thủy; Hải Ninh có Hải Hòa, Hải Tân, Hải Yên; Quảng Hà có Quảng An, Quảng Chính, Quảng Lợi, Quảng Đức, Quảng Sơn; xã Cẩm La (TX Quảng Yên) có Cẩm Tiến, Cẩm Lũy, Cẩm Liên, Cẩm Thành; xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) có Đông Sơn, Đông Hà, Đông Tiến.
Đây là công trình lớn, tuy không phải là sách từ điển nhưng lại giúp bạn đọc có thể tra cứu về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng xã một cách thuận tiện. Giáo sư Nguyễn Xuân Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, nhận định: Đây là công trình địa danh đồ sộ nhất Việt Nam vì đã có kết cấu hợp lý, thông tin phong phú có cũ, có mới.
Huyện Tiên Yên, TX Quảng Yên và thành phố Hạ Long còn nhiều công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng. Trong ảnh: Di tích Khe Tù ở huyện Tiên Yên |
Địa danh Quảng Ninh cũng chỉ ra giá trị của nhiều công trình có thể khai thác du lịch trải nghiệm văn hóa. Ví dụ như nhân dân phường Trà Cổ đang bảo tồn một ngôi nhà hơn 100 tuổi, huyện Tiên Yên có dãy nhà cổ được người Pháp xây dựng từ năm 1902, ở Hải Hà có mồ Ngô Dẫn, phò mã nhà Trần v.v..
Ông Nguyễn Cảnh Loan đồng tác giả công trình đề xuất: Vấn đề ở đây là giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, lựa chọn một, hai di tích phù hợp để đầu tư phục vụ du lịch. Cần bổ sung kinh phí để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, có thể mở những quầy bán sản phẩm lưu niệm, sản vật địa phương...
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()