Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:48 (GMT +7)
Dịch sởi sắp tái diễn quy mô lớn, không tiêm phòng dễ mắc bệnh
Thứ 3, 22/01/2019 | 09:59:14 [GMT +7] A A
Theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên quy mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Bộ Y tế cảnh báo, trẻ nhỏ và người lớn nếu không tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Hiện cũng đang là thời điểm đông xuân, giáp Tết âm lịch là thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát sinh phát triển. Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh thì cần chủ động đưa con em tiêm vắc xin đúng lịch.
Về phía người dân, để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh môi trường. Đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin theo lịch. |
Tại Hội nghị công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019 do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ở Hà Nội chiều 18/1, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu Đông- Xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khoẻ yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm.
Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.
“Hơn nữa sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá” - PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Đối với các dịch bệnh mùa Đông- Xuân, theo ông Trần Đắc Phu, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp tăng cường dịch bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, các bệnh đường tiêu hoá; đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng bệnh
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng. Đồng thời mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dự vào sự kiện để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.
Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, cơ quan này cũng có yêu cầu sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu huỷ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.
Theo khuyến cáo, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh thì cần chủ động đi tiêm để phòng ngừa. Ảnh minh họa. |
Trước đó, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 được sự đồng ý của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao.
Đợt 1: Đã hoàn thành tại 33 huyện 6 tỉnh miền núi phía Bắc là Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên cho 259.477 trẻ, đạt 96,7%.
Đợt 2: Đã triển khai tại 55 huyện của 13 tỉnh tại 4 khu vực cho khoảng 535.000 trẻ (theo Quyết định số 5433/QĐ-BYT ngày 10/9/2018). Các địa phương đang hoàn thành tiêm vét để đạt chỉ tiêu ≥ 95%.
Đợt 3: Đang triển khai tại 162 huyện của 20 tỉnh tại 3 khu vực cho khoảng 1,8 triệu trẻ (theo Quyết định số 6193/QĐ-BYT ngày 15/10/2018).
Theo chuyên gia dịch tễ Đặng Đức Anh, chính nhờ chiến dịch này, số ca bệnh sởi, rubella đã được khống chế kịp thời, số mắc sởi trong năm 2018 đã giảm rõ rệt.
Trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai hoàn thành đợt 2 và 3 của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao.
Trước lo ngại tình hình dịch sởi ở trẻ em diễn biến phức tạp tại TP.HCM trong khi ở Hà Nội có nhiều người lớn mắc sởi, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sởi là bệnh lưu hành đã có ở Việt Nam nhiều năm nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng lưu hành số mắc bệnh này. Đây là bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin, các ca mắc sởi là do người dân không tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa từng mắc bệnh này trước đó.
“Người dân nếu không có miễn dịch thì khi tiếp xúc gần với người bệnh sởi sẽ rất dễ lây bệnh. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác và tiêm chủng đầy đủ”- ông Tấn nói.
Riêng đối với đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm một số vắc xin nhất định trong đó có vắc xin rởi-rubella để bảo vệ con khi sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ. Trẻ trong độ tuổi cần tiêm đầy đủ, đúng lịch, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.
Cụ thể, nên đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Theo Dương Hải/Suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()