Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:04 (GMT +7)
Dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài: Tín hiệu lạc quan từ dịch giả trẻ
Thứ 3, 27/06/2023 | 07:38:03 [GMT +7] A A
Bức tranh văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài tới nay ra sao? Có phải trên bản đồ văn học thế giới, văn học Việt chỉ là một cái chấm nhỏ nhoi, mờ nhạt, quanh quẩn với những điều cũ kỹ thời hậu chiến, hay đang có những tín hiệu tích cực?
Phải làm gì để văn học Việt Nam hiện diện đa sắc hơn trên quốc tế ngoài đề án quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài mà Hội Nhà văn Việt Nam đang ấp ủ? Tuổi Trẻ đi tìm câu trả lời từ những chuyên gia.
Bị động trong quảng bá văn học Việt
Phác họa khuôn mặt văn học Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài lâu nay, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói văn học Việt Nam trước đây được giới thiệu ra nước ngoài là nằm trong chính sách ngoại giao thời chiến, nặng về mặt chính trị - tư tưởng, dùng tác phẩm văn học như một công cụ tuyên truyền, vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chủ yếu ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, văn học cổ điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ thiền thời Lý Trần đã được dịch.
Văn học hiện đại có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... Sau đổi mới có Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thân... Gần đây có Mai Văn Phấn rất nỗ lực tự tìm người dịch giới thiệu thơ của mình ra nhiều thứ tiếng.
Tuy nhiên, nhìn chung theo ông Nguyên, văn học Việt Nam quảng bá ở nước ngoài vẫn ở tình trạng bị động, ăn đong, chưa được dịch và giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ.
Dịch giả Lê Quang cho biết, nếu vào một hiệu sách lớn ở Đức sẽ thấy một tủ văn học Trung Quốc, một tủ văn học tiếng Anh. Việt Nam có một góc khiêm tốn, với độ 10 cuốn và đều là sách hướng dẫn du lịch, mấy năm nay thêm hai cuốn nấu ăn. Ông Lê Quang chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào của Việt Nam trên giá sách của hiệu sách ở Đức, nếu muốn mua thì phải mua qua mạng.
Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cũng có chung nhận định về sự manh mún của bức tranh văn học Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài. Do không có chương trình tổng thể mang tính quốc gia, phụ thuộc vào tài trợ của nước ngoài và quan hệ của dịch giả nên việc dịch văn học rất nhỏ giọt.
Thế hệ dịch giả trẻ đang đi đúng hướng?
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại có cái nhìn lạc quan hơn khi nhìn thấy những tín hiệu bài bản gần đây từ một lứa dịch giả trẻ, dù thừa nhận văn học tiếng Việt đương đại chưa thật sự thành cái tên gây hấp lực cho đội ngũ dịch giả quốc tế.
Thực hiện khảo sát xem thế giới nghiên cứu gì về văn học Việt Nam, ông Hiếu nhận thấy bạn bè quốc tế mới dừng lại ở những gương mặt văn học Việt Nam thời đổi mới, chưa biết nhiều đến Việt Nam mà không dính dáng đến chiến tranh. Một Việt Nam đối mặt với áp lực toàn cầu hóa chưa được quan tâm mà không hẳn do văn học Việt Nam chưa có thành tựu.
Thời điểm hiện tại, có thể nói di sản chiến tranh vẫn định hình bộ mặt Việt Nam đương đại nhưng văn học Việt Nam đương đại rộng hơn thế. Và một lứa các dịch giả trẻ trong nước đã bắt đầu những bước đi đầu tiên, dịch/giới thiệu những tiếng nói khác ngoài đề tài chiến tranh, hậu chiến.
Mới đây, dịch giả trẻ Nguyễn An Lý dịch China Town của nhà văn Thuận sang tiếng Anh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc cũng như giới phê bình. Ông Hiếu cho biết một nhà nghiên cứu Singapore, bạn ông, bày tỏ rất thích Thuận. Tiểu thuyết của Thuận có khám phá về hình thức, tương ứng với mặt bằng mỹ cảm của tiểu thuyết hậu hiện đại thế giới.
Dịch giả Hà Mạnh Quân cũng vừa dịch một tập truyện ngắn của Bảo Ninh - Hà Nội lúc không giờ, được một nhà xuất bản đại học của phương Tây (Đại học Công nghệ Texas) in, một bảo chứng về uy tín.
Hay nỗ lực của dịch giả Phạm Phương Chi (Viện Văn học) khi dịch một tập truyện ngắn văn học sinh thái với những tác phẩm rất đặc biệt như Kiến và người của tác giả Trần Duy Phiên, cho bạn đọc quốc tế hiểu người Việt có trải nghiệm rất độc đáo về loài vật. Rồi Nhã Thuyên dịch Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh...
Những tác phẩm này khi được giới thiệu ra thế giới cho thấy văn học Việt Nam có tiếng nói rất riêng về những chủ đề toàn cầu, dù địa vị của văn hóa Việt nói chung khiến nó không được hút vào những tâm điểm thảo luận.
Dịch phải đi kèm giới thiệu, phê bình
Góp ý về giải pháp giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài có hệ thống, bài bản và hiệu quả hơn, ông Thạch nói đề án quảng bá văn học Việt ra nước ngoài mang tầm quốc gia là cần thiết. Nhưng phải làm thế nào để đề án đừng biến thành việc của một vài vị rồi chen vào đó những quan hệ thân hữu. Cần phải đa phương hóa thành phần tham gia vào đề án này.
Để biết cần dịch giới thiệu những tác giả và tác phẩm nào, Hội Nhà văn Việt Nam cần có điều tra cơ bản về dịch văn học ra nước ngoài lâu nay, xây dựng cơ sở dữ liệu, viết văn học sử giản ước.
Ông Nguyên cũng đồng tình rằng cần một cuộc tổng kiểm kê đánh giá lại việc dịch văn học Việt Nam. Và phải tổ chức lựa chọn, giới thiệu và dịch thuật thế nào để bức tranh văn học Việt Nam thời mới hiện ra trước mắt người đọc nước ngoài được phong phú, đa dạng, phản chiếu đúng diện mạo như nó có. Còn ở thời điểm này, theo ông, cần nên tập trung giới thiệu văn học đương đại.
Một việc nữa, theo ông Thạch, là dịch phải đi kèm với giới thiệu, nếu không sẽ không hiệu quả. Phải có ngày văn học Việt Nam ở nước ngoài. Ông Hiếu cũng đồng tình quan điểm này. Ông góp ý kiến, với các quỹ của Nhà nước trước hết nên dành đầu tư cho các hội thảo thúc đẩy nghề nghiệp, mời các dịch giả đến giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, thúc đẩy quan hệ, xây dựng mạng lưới. Có như vậy khi dịch tác phẩm của mình thì đã có hệ sinh thái để nó không bị mất hút.
"Dịch thôi chưa đủ, phải để cho văn học Việt Nam có đời sống thật sự trên thế giới chứ không phải cuốn sách xếp chồng trong thư viện. Nó phải có rơi vào hoạt động phê bình, nghiên cứu. Lúc đó mới thấy văn học Việt Nam ra thế giới", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu đồng tình nên giới thiệu đa sắc bộ mặt văn học Việt đương đại, nhưng đồng thời cần tích cực dịch cả tác phẩm kinh điển. Vì khi các giá trị quá khứ của văn học Việt Nam được ghi nhận như một điển phạm của văn học thế giới, đó là lúc người ta quan tâm hơn về văn học Việt Nam. Các kinh điển đó sẽ trở thành hệ quy chiếu để hiểu văn học đương đại.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()