Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:16 (GMT +7)
Điểm danh dàn vũ khí uy lực Đức đang gửi cho Ukraine
Thứ 5, 12/05/2022 | 11:19:49 [GMT +7] A A
Đức đã cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine, trong khi các hệ thống hạng nặng như xe tăng và pháo đang theo sau, chấm dứt quãng thời gian Berlin do dự.
Pháo phòng không tự hành Gepard
Gepard (tiếng Đức có nghĩa là "con báo") là một loại pháo phòng không tự hành với hai khẩu pháo 35 ly. Nó có thể được sử dụng để chống lại máy bay và trực thăng ở độ cao lên tới 3.500 mét, cũng như chống lại các mục tiêu mặt đất được bọc thép nhẹ như xe bộ binh và xe tăng vận tải.
Điều này có nghĩa là Gepard có thể được sử dụng như một vũ khí phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, Gepard sẽ không có cơ hội chống lại xe tăng chiến đấu vì chỉ sở hữu pháo cỡ nòng tương đối nhỏ. Gepard có tầm hoạt động khoảng 550 km và có thể vượt qua các vùng nước mà không cần thiết bị bổ sung đặc biệt.
Điều khiến Gepard trở nên phù hợp cho sứ mạng ở Ukraine là vũ khí này được phát triển để chống lại các máy bay trực thăng chiến đấu bọc thép như Mil Mi-24 "Hind" của Liên Xô-Nga.
Gepard ra mắt vào năm 1976 và từ lâu đã trở thành nền tảng hệ thống phòng không của quân đội Đức, cũng như quân đội Hà Lan và Bỉ. Nhưng ở những quốc gia đó, loại pháo này được cho nghỉ hưu cách đây khoảng 20 năm và chiếc cuối cùng đã ngừng hoạt động ở Đức vào năm 2012. Romania là quốc gia NATO duy nhất vẫn sử dụng Gepard, và các mẫu của Đức trước tiên phải được đưa vào hoạt động trở lại, rồi mới chuyển cho Ukraine.
Một vấn đề khác đối với việc triển khai Gepard ở Ukraine có thể là do hệ thống điện tử phức tạp của nó, cũng như radar và hệ thống điều khiển hỏa lực đòi hỏi việc huấn luyện mất ít nhất 6 tháng. Đó là lý do tại sao đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đề xuất gửi xe tăng Leopard 1 hoặc xe chiến đấu bộ binh Marder để thay thế.
Ukraine ban đầu được Đức hứa cung cấp 50 chiếc Gepard, mặc dù cho đến nay vẫn còn thiếu đạn dược.
Lựu pháo tự hành PzH 2000
Loại pháo tự hành bọc thép cỡ nòng 155 ly này được mệnh danh là "hoàng đế pháo binh" của Đức, có thể bắn 3 phát mỗi 10 giây, 10 phát /1 phút. Mục tiêu có thể bị tiêu diệt ở khoảng cách từ 30 đến 56 km, tùy loại đạn.
Các công ty Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall đã cung cấp những chiếc lựu pháo 2000 đầu tiên cho quân đội Đức vào năm 1998 và tiếp tục sản xuất những phiên bản tiên tiến hơn.
Không giống như xe tăng chiến đấu Leopard, lựu pháo tự hành 2000 phải tạm dừng rồi mới khai hỏa tiếp, khiến nó tỏ ra thua kém rõ ràng so với xe tăng trong cuộc đối đầu trực diện. Tuy nhiên, nó có thể ngay lập tức ngụy trang sau khi khai hỏa để tránh bị bắn trả.
Lựu pháo 2000 có thể di chuyển với tốc độ lên tới 60 km/h, phạm vi hoạt động khoảng 420 km và có thể vượt qua vùng nước sâu khoảng 1,5 mét. Nó được thiết kế để theo sau các đội hình cơ giới và hỗ trợ hỏa lực.
Lựu pháo 2000 đã được sử dụng thành công trong các nhiệm vụ ở Afghanistan vào năm 2006 và 2007 với sự hỗ trợ từ trên không.
Quân đội Đức có khoảng 100 lựu pháo 2000 trong kho, trong đó có khoảng 40 chiếc đang hoạt động. Thủ tướng Olaf Scholz đã hứa cấp cho Ukraine 7 chiếc xe lựu pháo, nhưng trước tiên chúng phải được đưa vào hoạt động, dự kiến sẽ chuyển giao trong mùa hè.
Xe chiến đấu bộ binh Marder
Những phương tiện bộ binh này vận chuyển binh lính tham chiến, hỗ trợ hỏa lực và yểm trợ để binh lính có thể khai hỏa, khiến chúng trở thành một hệ thống vũ khí đặc biệt linh hoạt. Marder có đủ chỗ cho 6-7 xạ thủ, một súng máy 20 ly và tên lửa dẫn đường Milan chống lại các mục tiêu mặt đất và trên không.
Xe Marder cũng có hệ thống thông gió bảo vệ chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và có thể vượt qua vùng nước sâu tới 2m nhờ hệ thống thủy lực chìm.
Đi vào hoạt động từ năm 1971, Marder thậm chí còn cũ hơn Cheetah và đang dần được thay thế ở Đức bởi loại kế nhiệm là Puma. Tuy nhiên, Marder vẫn còn phục vụ trong quân đội Đức và một số quốc gia khác. Nó đã chứng minh tính hữu dụng ở cả Kosovo, Afghanistan và đã được liên tục nâng cấp trong nhiều năm.
Xe tăng chiến đấu Leopard 2
Xe tăng chiến đấu Leopard 2 được sản xuất từ năm 1978 và đã được cải tiến nhiều lần kể từ đó, và Quân đội Đức không có kế hoạch thay thế nó cho đến năm 2030.
Do thành công lớn về mặt xuất khẩu, loại xe tăng do Krauss-Maffei Wegmann chế tạo này có nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản đều được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu cụ thể của quốc gia khách hàng. Ngoài ra Leopard 2 còn được cấp phép sản xuất ở nước ngoài. Người tiền nhiệm của nó, Leopard 1, cũng đã được bán ra với số lượng lớn và vẫn được nhiều quân đội trên thế giới sử dụng.
Mục đích của Leopard 2 là để phòng thủ trước đội hình xe tăng của đối phương. Pháo 120 ly của nó có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu đứng yên và di chuyển, đồng thời có thể khóa mục tiêu ngay cả khi đang di chuyển trên địa hình gồ ghề. Leopard có thể vượt qua vùng nước sâu tới 4 mét với các thiết bị bổ sung. Khả năng bảo vệ của nó chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học được thiết kế để chịu được đến 48 giờ.
Cỗ xe tăng 1.500 mã lực này có tốc độ hơn 60 km /h nhưng trọng lượng trên 60 tấn của nó luôn là vấn đề nan giải đối với các cây cầu.
Leopard đã chứng tỏ được giá trị của nó trong các hoạt động ở Afghanistan, chủ yếu nhờ khả năng bảo vệ cao trước các cuộc tấn công. Nó cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở miền bắc Syria.
Chính phủ Đức vẫn chưa hứa hẹn với Ukraine về xe tăng Marder hay Leopard, mặc dù Đại sứ Ukraine tại Berlin Andrij Melnyk đã kêu gọi Berlin “viện trợ nhanh chóng 88 xe tăng Leopard, 100 xe chiến đấu Marder, pháo tự hành và nhiều hơn nữa".
Tên lửa Stinger
Stinger là một bệ phóng tên lửa đất đối không dẫn đường bằng tia hồng ngoại, được Raytheon sản xuất ở Mỹ từ năm 1980. Nó cũng đã được sản xuất từ lâu ở châu Âu, bao gồm cả ở Đức.
Sau khi bắt được mục tiêu, thường là máy bay chiến đấu hoặc máy bay trực thăng và được xạ thủ khai hỏa, tên lửa Stinger sẽ tự động theo dõi mục tiêu trong phạm vi khoảng 4.000 mét. Đầu đạn phát nổ với thời gian trễ hơn một chút sau khi va chạm, thường là trên bình nhiên liệu, làm tăng hiệu quả.
Stinger đã được chứng minh là một loại vũ khí cực kỳ hiệu quả và dễ sử dụng, đáng chú ý nhất là trong thời kỳ cuộc chiến tranh Afghanistan.
Súng phóng lựu chống tăng - phá boongke Panzerfaust
Quân đội Đức và các lực lượng vũ trang quốc gia khác sử dụng súng phóng lựu tiêu chuẩn Panzerfaust 3 cho mục đích chống tăng. Vũ khí này do công ty Dynamit Nobel ở Đức sản xuất từ năm 1992. Nó được vác vai, bắn vào các mục tiêu đứng yên cách xa đến 400 mét và mục tiêu di động cách xa 300 mét.
Panzerfaust có thể xuyên tới lớp giáp dày 300 mm và xuyên hầm trú ẩn với bê tông cốt thép dày tới 240mm. Theo chính phủ Đức, đã cung cấp cho Ukraine vài nghìn vũ khí này trong thời kỳ đầu cuộc chiến với Nga.
Nhiều vũ khí cầm tay khác nhau
Tính đến cuối tháng 4, Đức đã gửi cho Ukraine 100 khẩu súng máy, 100.000 quả lựu đạn, 2.000 quả mìn, khoảng 5.300 khối thuốc nổ và hơn 16 triệu viên đạn với nhiều cỡ nòng khác nhau, từ súng trường tấn công đến súng máy hạng nặng. Thông tin về số vũ khí viện trợ này do chính phủ Ukraine cung cấp.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()