Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:08 (GMT +7)
Điểm danh ruộng bậc thang ở châu Á “hút hồn” khách du lịch
Thứ 6, 25/02/2022 | 16:01:17 [GMT +7] A A
Để khắc phục những khó khăn của tự nhiên, người nông dân tại các quốc gia châu Á đã tạo nên hàng loạt thửa ruộng bậc thang vô cùng xinh đẹp.
1. Ruộng bậc thang Hani, Hồng Hà, Trung Quốc
Ruộng bậc thang Hani Hồng Hà được đánh giá là một trong những tuyệt tác mà con người kiến tạo giữa khoảng không gian bao la rộng lớn.
Du khách khi có dịp đến huyện Nguyên Dương, thuộc châu Hồng Hà của Trung Quốc để tham quan thì đừng bỏ lở ruộng bậc thang này. Đây là ruộng bậc thang của người Hà Nhì tại Hồng Hà. Vùng trung tâm của khu ruộng nằm ở huyện Nguyên Dương, thuộc châu Hồng Hà, miền nam tỉnh Vân Nam. Khu vực này rộng 1 triệu ha và nó được công nhận là di sản thế giới của UNESCO có diện tích khoảng 16.603 ha.
Con đường dẫn đến ruộng bậc thang ngoằn nghòe như màng nhện. Nếu bước đi trên con đường này vào sáng sớm các bạn sẽ có cảm cảm giác như cỡi trên đám mây bồng bềnh, bởi nơi đây phủ đầy sương mù. Hai bên đường là những làn hoa dại e ấp trong làn sương mong manh khiến mỗi tâm hồn những ai đi qua đây đều phải xao xuyến.
2. Ruộng bậc thang Banaue, Philippines
Ruộng bậc thang Banaue của người Ifugao ở Philippines đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới bởi sự đồ sộ với chiều cao hàng nghìn mét, thể hiện kỹ thuật canh tác của người xưa. Các ruộng bậc thang Banaue có độ cao so với mặt biển là khoảng 1.500m và diện tích 10.360 km2 bên sườn núi.
Những ruộng bậc thang ở Ifugao được xây dựng theo hình dáng của núi non giúp cho nơi đây mang một vẻ đẹp hoàn hảo giữa thiên nhiên và bàn tay con người.
Đi dạo trên các ruộng bậc thang này là hoạt động thú vị nhất. Tuy nhiên, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của các hướng dẫn viên để tìm đường đi nhanh nhất, vì mỗi thửa ruộng này có thể cách nhau tới 10m. Dọc đường đi, bạn cũng có thể ghé qua các khu làng Batad và Bangaan, nằm ngay giữa các ruộng lúa bậc thang xanh ngắt.
3. Ruộng bậc thang Sa Pa, Việt Nam
Với lịch sử lâu đời và vẻ đẹp độc đáo gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, ruộng bậc thang Sa Pa đã được du khách trong nước và nước ngoài rất yêu thích, khám phá và thưởng ngoạn. Đây là loại hình canh tác độc đáo trong sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp truyền thống, do bàn tay người nông dân vùng cao khai thác và kiến tạo ở độ cao 700 đến 1.500 m so với mặt biển.
Còn gì vui bằng mùa gặt ruộng bậc thang của người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở nơi “đầu non đầu suối”. Phụ nữ gặt đến đâu, đàn ông kéo theo những chiếc “phàn thống” (hòm đựng lúa) được đóng bằng gỗ, hình thang cân lật ngược. Họ dùng những chiếc “néo” là hai đoạn gỗ nhỏ, cứng chắc, được kết nối với nhau bằng da con trâu cái già, để ghìm bó lúa đập vào “phàn thống” cho rụng hạt, rồi đóng bao đưa lên lưng ngựa hoặc dùng xe máy chở về nhà.
4. Ruộng bậc thang Hamanoura, tỉnh Saga, Nhật Bản
Hamanoura no Tanada là một trong 100 ruộng bậc thang đẹp nhất Nhật Bản và cũng là thửa ruộng bậc thang rất nổi tiếng trên thế giới.
Hamanoura no Tanada đẹp quanh năm và trông khác nhau mỗi mùa. Tuy nhiên, nơi đây đẹp nhất là từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, khi cánh đồng đã chứa đầy nước và mặt trời bắt đầu từ từ lặn xuống nhuộm một màu cam ấm áp tạo nên khung cảnh phản chiếu hoàng hôn tuyệt đẹp.
5. Ruộng bậc thang Annapurna - Himalaya, Nepal
Ở Nepal, 65% dân số làm nông nghiệp. Du khách có thể thấy ruộng bậc thang ở Nepal ít ngoạn mục hơn nhưng khung cảnh nơi đây nguyên sơ và độc đáo.
Không giống Bali, độ cao và mùa đông lạnh giá của Himalaya khiến các cánh đồng hoang hóa trong mùa đông. Vào cuối tháng 2, các thửa ruộng ở đây hồi sinh với tiếng hát của phụ nữ làm lụng cho vụ mùa tiếp theo. Những cánh đồng ngập tràn màu xanh nhạt của lúa mì, màu xanh đậm của khoai tây và đậu lăng. Thời gian sau, những nơi đó sẽ phủ đầy lúa.
Ruộng bậc thang ở Nepal là một trong những ruộng bậc thang hoang sơ nhất trên thế giới. Những nơi này hầu như không phải là điểm du lịch ồ ạt, vẫn giữ được mộc mạc như cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.
6. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Việt Nam
Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ, con đèo này được xếp là một trong tứ Đại Đỉnh Đèo của Tây Bắc (Đèo Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ, Mã Pí Lèng). Ruộng bậc thang nơi đây, gắn liền với lịch sử cư trú của người Mông ở Mù Cang Chải. Để có những thửa ruộng như vậy, chính là phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước.
Những công việc này được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần phát triển thành một vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng lớn tựa như tuyệt tác nghệ thuật quanh đồi núi. Những “mâm xôi vàng”, “mâm xôi xanh” hiện lên kỳ vĩ giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc như để dâng lên trời đất, và thể hiện cuộc sống ấm no của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Du lịch về với ruộng bậc thang Mù Cang Chải những năm gần đây đã trở nên quen thuộc và gần gũi với khách du lịch trong và ngoài nước và đây cũng chính là mảnh đất vàng cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh, bởi vậy dân nhiếp ảnh thường gọi nơi này là mỏ vàng của nhiếp ảnh.
Theo dulich.petrotimes.vn
Liên kết website
Ý kiến ()