Tất cả chuyên mục

Kế hoạch chi đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh được xác định sẽ dành sự ưu tiên lớn cho đầu tư phát triển. Qua đó, góp phần quan trọng hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu đã được xác định của tỉnh tại các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch tổng thể KT-XH tỉnh; các quy hoạch ngành, lĩnh vực...
[links()]
Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ (phường Đại Yên, TP Hạ Long) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo các điều kiện để tổ chức các giải quốc gia và quốc tế. Ảnh: Đỗ Phương |
Qua tìm hiểu được biết, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho đến nay là việc triển khai kế hoạch vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2018-2020, do kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 27/10/2017. Theo đó, tổng số vốn dự kiến phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trên 44.439 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách trung ương trên 5.012 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh trên 39.426,7 tỷ đồng.
Có thể thấy, điểm nhấn rõ nét nhất trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đó chính là việc thực hiện đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư. Cụ thể, tỉnh đã chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm. Qua đó, tạo sự chủ động, hiệu quả hơn trong phân bổ vốn. Việc phân bổ bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đảm bảo không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án an sinh xã hội và các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh.
Tỉnh cũng thực hiện phân cấp về nguồn vốn, quyết định đầu tư, điều hành và quản lý đầu tư triệt để cho các địa phương. Đi cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát. Điều này đã giúp các địa phương và các ngành chủ động, ổn định trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp với nguồn lực của địa phương; từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài chính, tính đến ngày 30/10/2018, tổng số vốn đã phân bổ đạt trên 27.145,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đạt trên 1.919,3 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đạt trên 25.226,1 tỷ đồng, chiếm 61,08% kế hoạch vốn trung hạn. Riêng năm 2018, trung bình số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới vốn ngân sách tỉnh đạt tỷ lệ 50% so với tổng mức đầu tư; trung bình kế hoạch vốn bố trí cho các dự án khởi công mới của cấp huyện chiếm 46,8% tổng mức đầu tư, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (trung bình chiếm 34,8%).
![]() |
Cầu phao tạm Km3-4 cảng ICD Thành Đạt, TP Móng Cái được đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Hồng Nhung |
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên cho đầu tư. Cụ thể, năm 2015: Tổng số kế hoạch sau điều chỉnh bổ sung chỉ chiếm 52,6% tổng chi ngân sách địa phương; năm 2016 chiếm 64,96% tổng chi ngân sách địa phương; năm 2017 chiếm 66,69% tổng chi ngân sách địa phương và tính đến 30/10/2018 kế hoạch vốn đầu tư đã chiếm 63,62% so với tổng chi ngân sách giao đầu năm. Số vốn và số dự án phải điều hòa đều giảm dần, nhưng nguồn vốn bổ sung trong kế hoạch hàng năm ngày càng tăng, tỷ lệ giải ngân vốn/kế hoạch ngày càng được cải thiện. Với chủ trương này, Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ngoài nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, mạnh dạn áp dụng đầu tư theo hình thức PPP với đa phương pháp, đa hình thức để lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án. Đã có nhiều công trình đầu tư theo mô hình PPP, trong đó các công trình trọng điểm, như: Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; trụ sở làm việc của các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, các sở, ngành của tỉnh; nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, cầu phao tạm Km3-4 cảng ICD Thành Đạt, TP Móng Cái...
Song hành với đầu tư, công tác kiểm soát và thanh toán nợ đọng XDCB cơ bản đã được các địa phương tích cực nghiêm túc thực hiện thời gian qua. Đến nay, có 8/14 địa phương đã cơ bản hoàn thành hoặc dự nguồn đảm bảo thanh toán hết nợ đọng XDCB phần thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện; các địa phương còn lại số nợ đọng XDCB không nhiều.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư, tỉnh cũng đã nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo nội dung này tại Hội nghị Ban Thường vụ diễn ra ngày 30/10 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu, việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch phải bám sát các mục tiêu, định hướng, quy hoạch về phát triển KT-XH của quốc gia, tỉnh, cũng như các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; gắn chặt với quá trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu thu - chi NSNN. Các dự án phải phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, trong đó tập trung các dự án an sinh xã hội, các dự án tạo động lực cho phát triển KT-XH, cũng như thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Hồng Nhung
Ý kiến ()