Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 02:47 (GMT +7)
KỶ NIỆM 59 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH QUẢNG NINH 30/10 (1963-2022) Điểm sáng về đổi mới ở khu vực phía Bắc
Chủ nhật, 30/10/2022 | 07:17:45 [GMT +7] A A
Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Trải qua 59 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, ý chí đổi mới mãnh liệt, cùng tư duy đột phá, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Không ngừng đổi mới
Quảng Ninh - Mảnh đất phên giậu nơi địa đầu Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng. Trong mỗi giai đoạn, tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chủ động, sáng tạo đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp, nhằm khai thác tốt tiềm năng.
Để tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Ninh đã xác định hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, vượt trội sẽ là “chìa khóa” mở rộng không gian phát triển cho địa phương nói riêng và khu vực Đông Bắc Bộ nói chung trong không gian “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai đột phá, ba vùng động lực”. Với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để GPMB các dự án, công trình động lực, nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Nhờ đó, sau hơn 35 năm đổi mới, bức tranh hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã lột xác hoàn toàn. Kết quả ấn tượng nhất phải kể đến là đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 50 công trình giao thông, như: Cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...
Cùng với hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó, tỉnh đã thường xuyên, liên tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ 40% đến 60% so với quy định; đưa 100% TTHC đủ điều kiện vào giải quyết tại trung tâm hành chính công các cấp; cung cấp 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn của Quảng Ninh luôn đạt tỷ lệ rất cao, trên 99%. Kết quả này đã mang lại sự hài lòng cho người dân và các tổ chức đối với sự phục vụ hành chính trên địa bàn tỉnh luôn đạt hơn 95%.
Quảng Ninh đã tiên phong xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch, vì nhân dân phục vụ. Nhờ vậy, giai đoạn 2011-2020, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước được nhận Huân chương Lao Động hạng Ba trong thực hiện có hiệu quả CCHC. Tỉnh cũng 5 năm liền đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 4 năm liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và 3 năm liền dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Bằng quyết tâm, ý chí, nỗ lực, Quảng Ninh đã bứt phá vươn lên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,31 tỷ USD. Một số dự án tiêu biểu như: Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong; Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam); nhà máy điện tử Quảng Yên của liên danh 2 nhà đầu tư là Công ty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) và Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL)...
Những con số ấn tượng trên đã minh chứng rõ nét hiệu quả công tác thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian qua.
Tất cả vì nhân dân
Hơn 2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn chưa từng có, Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy đổi mới không ngừng. Đặt tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân lên trên hết, Quảng Ninh với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đã ưu tiên cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, tỉnh đã dành nguồn lực, nỗ lực để tiếp cận các nguồn vắc-xin, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 diện rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm trên 4,1 triệu mũi, trong đó, người trên 18 tuổi là 3,5 triệu mũi, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là trên 361.000 mũi, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt trên 311.000 mũi.
Từ cách làm chủ động, hướng sự ưu tiên hàng đầu đến người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận rất cao. Qua hơn 2 năm chống dịch Covid-19 tại Quảng Ninh cho thấy việc chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ” đã đem lại môi trường an toàn, đem lại hạnh phúc cho người dân, giúp nền kinh tế không bị đứt gãy.
Với quan điểm lấy dân làm gốc, trong bất kỳ thời điểm nào, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân. Tính đến hết tháng 9/2022, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 500.277 người và 6.400 người sử dụng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 825 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho tổng số 18.066 người thuộc 492 doanh nghiệp theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền là 26,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% mức học phí công lập cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023.
Là địa phương biên giới, việc chăm lo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được Quảng Ninh quan tâm đặc biệt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 06 đã và đang được các ngành, địa phương triển khai tích cực, nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến rõ nét, qua đó, từng bước đưa mục tiêu kéo giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền thành hiện thực.
Những thành tựu đạt được là minh chứng sinh động cho quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ trên cơ sở kế thừa và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh. Đây là nền tảng tạo đà cho tỉnh khẳng định là một trong những cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc và cả nước nói chung.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()