Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:56 (GMT +7)
Hạ Long: Điểm sáng ứng dụng CNTT trong giảng dạy
Thứ 3, 09/11/2021 | 13:33:17 [GMT +7] A A
Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, một trong những giải pháp mà ngành Giáo dục TP Hạ Long ưu tiên hàng đầu chính là ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học. Tại Trường THCS Trới, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trường THCS Trới hiện có tổng số 22 lớp với gần 1.000 học sinh. Nhiều năm qua, bằng việc liên tục đổi mới, áp dụng hiệu quả các biện pháp dạy và học tiên tiến, đặc biệt là ứng dụng CNTT một cách hiệu quả trong giảng dạy trên lớp và dạy học online, nhà trường đã liên tiếp đạt được những thành tích quan trọng, được thành phố đánh giá cao.
Năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS; 8 giáo viên nhà trường được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, riêng cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đối với các cuộc thi học sinh giỏi, trường được xếp vào bảng A, với tổng số 46 giải, trong đó cấp tỉnh có 16 giải, cấp thành phố 30 giải.
Thầy Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Trới, cho biết: Để có được thành tích nổi bật, nhà trường đã linh hoạt, hiệu quả trong triển khai các kế hoạch, chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thành phố. Trong đó, thống nhất, đồng thuận từ Ban Giám hiệu để đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT; chủ động khảo sát, điều tra trình độ tin học và kỹ năng sử dụng công nghệ của CBGV. Đồng thời, tiến hành phân loại về trình độ công nghệ, thành lập tổ công nghệ gồm các giáo viên tin học để hỗ trợ giáo viên và học sinh khác; thực hiện lồng ghép các chương trình học gắn với công nghệ thông qua việc khai thác sử dụng hình ảnh, âm thanh, văn bản, biểu đồ... Điều này, đã giúp học sinh được tiếp cận với kiến thức một cách dễ dàng và nhanh chóng, tạo sự hứng thú cho các em khi tiếp thu bài giảng của thầy cô.
Để hỗ trợ công tác giảng dạy và quản lý, bên cạnh trang bị thiết bị phòng học thông minh, nhà trường còn tiến hành trang bị máy tính có kết nối Internet cho tất cả các phòng làm việc từ Ban Giám hiệu, công đoàn, đến đoàn đội, thư viện... Lắp đặt hệ thống camera kết nối rộng khắp toàn trường; tổ chức dạy thực nghiệm đối với các giờ học ứng dụng CNTT, sử dụng phòng học thông minh để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Song song với đó, xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện, thường xuyên dự giờ, thăm lớp và kiểm tra việc thực hiện ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
Đối với giáo viên, nhà trường yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn và sắp xếp các nội dung dạy học có ứng dụng CNTT tại các phòng học thông minh phù hợp với nội dung bài dạy. Ứng dụng, khai thác đa dạng các phần mềm, thiết bị vào việc dạy học như các phần mềm (ACTIVINSPIRE;VIOLET; Sách giáo khoa điện tử; phần mềm quản lý học sinh...) và các thiết bị đã được trang bị đặc biệt là hệ thống âm thanh và bảng tương tác. Đối với học sinh, nhà trường tăng cường hướng dẫn phương pháp học tập tiếp cận với công nghệ hiện đại, đặc biệt cách học online trong tình hình dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn sử dụng và làm quen với các tính năng của thiết bị, phần mềm, học tập thông qua nội dung tương tác với giáo viên bằng bảng tương tác.
Do làm tốt, làm quen sớm với các ứng dụng CNTT, vì thế dù thời gian qua chịu tác động của dịch Covid-19, song việc dạy và học tại Trường THCS Trới không hề gián đoạn. Học sinh chuyển từ trạng thái trực tiếp sang trực tuyến, mọi tương tác giữa giáo viên và học sinh đều diễn ra bình thường, học sinh tham gia học online như đang học trên lớp... vì thế không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của nhà trường.
Có thể nói, cách triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT trong dạy và học của Trường THCS Trới rất bài bản, sáng tạo và khoa học, có được nền tảng CNTT đồng bộ, từ máy chủ, đường truyền, băng thông, cũng như các ứng dụng để vận hành hệ thống, bài giảng, công nghệ quản lý, kế hoạch, chương trình, nội dung... từ đó đã gặt hái được những kết quả, thành tích cao, mang lại lợi ích cho cả người dạy lẫn người học. Đặc biệt, đã giải quyết được những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, góp phần giảm thiểu những nguy cơ lây nhiễm chéo nếu học sinh trực tiếp đến trường và vẫn đảm bảo được các chương trình giáo dục.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()