Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:09 (GMT +7)
Điện ảnh Việt khó phát triển nếu không có chính sách ưu đãi
Thứ 4, 15/05/2024 | 13:54:38 [GMT +7] A A
Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài, tăng trưởng hằng năm và có những tác phẩm bùng nổ về doanh thu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản.
Phòng vé Việt khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm.
Nửa đầu năm 2024, phòng vé Việt đã vượt mốc 2.000 tỉ đồng doanh thu toàn ngành, trong đó phải kể đến 2 tác phẩm siêu lợi nhuận là “Mai” và “Lật mặt 7: Một điều ước”. Trong công nghiệp điện ảnh, quyền lực của các nhà rạp rất lớn, vì đây là kênh tiếp cận, phân phối vé, sắp xếp suất chiếu, và còn có khả năng chi phối thị hiếu, nhu cầu xem của công chúng.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty THHH BHD chia sẻ tại Hội thảo Văn hóa 2024 ngày 12.5, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành điện ảnh nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. Phòng vé Việt giữ mức tăng 21%, đứng thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia, gấp 3 lần Thái Lan năm 2023.
Thị trường phim Việt cũng được ghi nhận là do phim nội dẫn dắt, thúc đẩy nhu cầu khán giả, bên cạnh phim Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, trong khi phim Mỹ ở Việt Nam đang thoái trào. Với “Mai” của Trấn Thành tạo cơn sốt dịp Tết 2024, lần đầu tiên một bộ phim Việt đã bán được 6,5 triệu vé.
Hiện tại, có hơn 1.100 phòng chiếu đang hoạt động có doanh thu, vài chục hãng phim, 20-40 phim Việt được ra mắt mỗi năm. Những chỉ số này giống với Hàn Quốc những năm 2000, khi họ có khoảng 700 phòng chiếu và sản xuất khoảng 40 phim/năm. Sau 2 thập kỷ, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc về văn hóa ở châu Á, riêng ngành điện ảnh có hơn 4.000 phòng chiếu, doanh thu trước dịch là 1,5 tỉ USD.
Doanh nghiệp chật vật vì khó có lãi
Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 65% thị phần phòng chiếu Việt. Trong đó, chỉ có một rạp chiếu của Nhà nước là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Có thể thấy, nguồn nhân lực chủ yếu cho điện ảnh là doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh rất khó khăn bởi tiền thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại rất cao, chưa kể tiền thuế và các chi phí vận hành khác. Các đơn vị nội địa như BHD, Galaxy, Beta đều phải bán một phần cổ phần cho đối tác nước ngoài để tiếp tục bám trụ, và gần như không thể có lãi.
Nói về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh rạp chiếu, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho biết: “Nhà nước có thể hỗ trợ về chính sách, như thuế và các loại phí. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Việt chúng tôi rất khó có lãi vì tiền thuê mặt bằng với giá quá cao, tiền điện cũng đắt đỏ. Đến nay, các doanh nghiệp làm về văn hóa và điện ảnh vẫn chưa có ưu đãi hay chính sách hỗ trợ về thuế. Thậm chí, có đề xuất với luật sửa đổi yêu cầu tăng thuế từ 5% lên 10%. Chúng tôi sẽ càng lao đao, và chỉ mong nếu không thể giảm thì hãy giữ nguyên mức thuế chứ đừng tăng lên”.
Để cạnh tranh với những tập đoàn lớn của nước ngoài như CGV, Lotte, các doanh nghiệp Việt nhiều lần yêu cầu được hỗ trợ các khoản vay làm văn hóa giống như khoản vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi như cho ngành nông nghiệp.
Theo bà Hạnh, ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đã có, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn đang phải chờ. Tại TPHCM, địa phương này sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay tối đa 200 tỉ đồng với lãi suất 0% trong 7 năm, tuy nhiên với rạp chiếu phim thì 7 năm là chưa đủ để thu hồi vốn.
Giới làm phim cũng cho rằng, nếu không có Nhà nước điều tiết bằng chính sách mà cứ thả nổi theo kinh tế thị trường, các tập đoàn khổng lồ của nước ngoài sẽ chiếm toàn bộ thị phần rạp chiếu và quyết chiếu phim gì có lợi về kinh tế, chèn ép suất chiếu phim Việt.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()