Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:01 (GMT +7)
Điện ảnh Việt tìm cách khai thác "kho báu"
Thứ 3, 23/07/2024 | 07:39:01 [GMT +7] A A
Việc đưa truyện cổ tích, dân gian lên màn ảnh rộng nếu thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nét văn hóa bản địa cho điện ảnh Việt Nam.
Phim "Con Cám" của đạo diễn Trần Hữu Tấn là dị bản kinh dị, lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích "Tấm Cám". Phim này dự kiến ra rạp trong tháng 9-2024.
Hầu hết đều thành công
Phim "Con Cám" quy tụ các diễn viên: Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy, Thúy Diễm, Quốc Cường, Hải Nam, NSƯT Ngọc Hiệp, Mai Thế Hiệp... Nội dung phim xoay quanh Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm. Phim còn có nhiều nhân vật và chi tiết sáng tạo, gợi cảm giác vừa lạ vừa quen cho khán giả.
Điện ảnh Việt từng có phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" do Ngô Thanh Vân đạo diễn, ra rạp năm 2016, cũng lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng này. Phim xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình, cuộc đấu tranh giữa thiện - ác; gặt hái doanh thu 66,5 tỉ đồng, thu lợi nhuận ổn so với mức kinh phí thực hiện 22 tỉ đồng.
Năm 2019, khán giả được thưởng thức phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh, chuyển thể từ truyện dân gian trong kho tàng cổ tích, dân gian Việt Nam. Phim thu được 100 tỉ đồng song cũng gây tranh cãi trái chiều về nội dung.
Năm 2023, phim "Chị chị em em 2" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng ra rạp phục vụ khán giả. Phim này lấy cảm hứng từ các nhân vật truyền kỳ cùng những giai thoại nổi tiếng trong dân gian liên quan mỹ nhân Ba Trà và Tư Nhị. Phim gặt hái được doanh thu hơn 121 tỉ đồng.
Các phim điện ảnh khai thác chuyện cổ tích, dân gian hoặc những nhân vật truyền kỳ, tạo giai thoại được truyền miệng đa phần đều gặt hái thành công về doanh thu. Trường hợp đáng tiếc chỉ có phim "Trạng Tí: Phiêu lưu ký" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chuyển thể từ bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" của họa sĩ Lê Linh. Phim này thất bại doanh thu do những yếu tố khách quan tác động.
Người trong giới cho rằng truyện cổ tích, dân gian Việt Nam là "kho báu" của điện ảnh, có nhiều tiềm năng khai thác. Bởi lẽ, những câu chuyện này rất quen thuộc với người dân ở mọi lứa tuổi. Sự quen thuộc, nổi tiếng từ câu chuyện gốc là điểm mạnh để nhà làm phim sử dụng trong quá trình quảng bá tác phẩm. Sự quen thuộc cũng là một thuận lợi, thế mạnh để nhà làm phim mạnh dạn chọn lựa, tạo ra phiên bản mới từ những câu chuyện cổ tích, dân gian.
"Chuyện Tấm Cám vốn rất quen thuộc với người Việt Nam, gần như ai cũng nhớ những tình tiết trong câu chuyện cổ tích này. Vì vậy, khi làm phiên bản "Tấm Cám kinh dị", tôi không nghĩ mình gặp khó khăn gì. Trái lại, đây là điểm thuận lợi vì nhiều người đang tò mò, mong đợi dị bản này sẽ được kể theo hướng như thế nào, có những điểm sáng tạo mới lạ ra sao so với câu chuyện gốc" - đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận xét.
Quen thuộc và mới lạ
Việc đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim điện ảnh có nhiều thuận lợi, doanh thu cũng tốt nhưng đến nay, thể loại phim này vẫn rất khiêm tốn. Truyện cổ tích thì mới có "Tấm Cám" được khai thác; còn các truyện dân gian, nhân vật, giai thoại truyền kỳ được lên phim cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được đưa ra là do những thử thách, khó khăn lớn cộng hưởng từ vốn đầu tư, sự sáng tạo và các rủi ro khách quan khác.
Các nhà chuyên môn cho rằng phim lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích, dân gian, nhân vật truyền kỳ… nếu được kể quá đà, thay đổi toàn bộ kết cấu nội dung, chỉ giữ tên nhân vật thì sẽ dễ phản tác dụng vì khán giả thấy quá xa lạ, khó tiếp nhận. Thế nhưng, nếu kể câu chuyện gần với bản gốc, dễ đoán, không có gì mới lạ thì cũng không hấp dẫn. Với một mức độ vừa phải, tác phẩm bảo đảm hài hòa giữa sự quen thuộc với mới lạ được cho là sẽ ổn, song phim kiểu này lại không dễ thực hiện.
Một rào cản không nhỏ cho dòng phim này là vốn đầu tư thường cao gấp nhiều lần so với các phim khác ở khâu phục dựng bối cảnh, phục trang, kỹ xảo... Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng làm phim cổ trang khó gấp 10 lần so với các thể loại khác, do điện ảnh Việt chưa có phim trường, thiếu phục trang, tư liệu cũng như nhiều yếu tố khác.
Nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Thanh Vân từng tiết lộ đã chi đến 2 tỉ đồng cho riêng phần trang phục trong phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể". Việc chọn lựa diễn viên cũng không phải dễ dàng. Khán giả mỗi người có sự tưởng tượng, suy nghĩ khác nhau về các nhân vật cổ tích, dân gian, truyền kỳ. Nhà làm phim phải nghiên cứu và nỗ lực chọn lựa diễn viên sao cho gần nhất với tưởng tượng của khán giả. Sự khác biệt dễ dẫn đến ý kiến trái chiều và nếu tranh cãi quá mức cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tác phẩm mà nhà làm phim khó có thể lường trước.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()