Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 19:31 (GMT +7)
Điều trị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ ở trẻ em
Thứ 5, 13/01/2022 | 08:57:59 [GMT +7] A A
Từ năm 2013 đến nay, mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ (RNTTTK) tại Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em bị RNTTTK, từng bước giúp các em hòa nhập tốt với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh nguyên nhân bẩm sinh, tác động của môi trường sống, thì sự bùng nổ công nghệ 4.0 đã tác động mạnh tới trẻ em. Các em dành nhiều hơn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, ít tương tác với cuộc sống thực... Điều này trở thành những tác nhân làm gia tăng và nảy sinh các dạng, mức khác nhau của vấn đề RNTTTK ở trẻ em.
Tham gia trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, trẻ em sẽ được khám sàng lọc, đánh giá thực trạng sự phát triển trên từng lĩnh vực. Sau khi xác định được các mảng chậm phát triển của trẻ, cán bộ của Trung tâm cùng với chuyên gia xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Hoạt động trị liệu tại đây hoàn toàn không dùng thuốc, mà được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học. Các em được áp dụng các phương pháp mát xa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động… Phương pháp can thiệp, trị liệu của Trung tâm sẽ góp phần giải quyết vấn đề khó khăn của trẻ đang gặp phải, hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng một cách toàn diện và bền vững. Đó là sự khác biệt giữa phương pháp trị liệu của Trung tâm Công tác xã hội với các cơ sở, trung tâm khác hiện có tại Quảng Ninh.
Chị Phạm Quỳnh Trang (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chia sẻ: Trong một năm qua, tôi đã cho con trị liệu tâm lý tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Mỗi ngày thấy con thay đổi về nhận thức, biết nói và diễn đạt tốt hơn, tôi rất mừng. Tôi hy vọng Trung tâm tiếp tục duy trì mô hình trị liệu tâm lý cho trẻ RNTTTK, đồng thời tiếp tục mở rộng để chăm sóc tốt hơn cho những trẻ RNTTTK ở tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Mỗi trẻ RNTTTK sẽ có một triệu chứng riêng nên đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, kỹ năng để đưa ra các phương pháp trị liệu phù hợp. Chúng tôi thường xuyên nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiệu quả trong phát hiện, trị liệu cho trẻ RNTTTK.
Cũng theo chị Hương, hiện chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm. Triệu chứng tự kỷ sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi, nếu đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện thì rất khó giúp trẻ hòa nhập với người bình thường. Không nên tách rời trẻ tự kỷ với cộng đồng, vì vậy, sau các tiết học ở Trung tâm, các em vẫn đến trường học như các bạn cùng trang lứa. Cán bộ trị liệu của Trung tâm còn tư vấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập cho các gia đình có trẻ RNTTTK; duy trì sinh hoạt câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ, hình thành mạng lưới kết nối các thành viên câu lạc bộ.
Cùng với hoạt động trị liệu trực tiếp, Trung tâm thường xuyên phối hợp tổ chức hoạt động sàng lọc, tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTTTK tại cộng đồng, nhất là ở các địa phương vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm đã tổ chức tư vấn qua Tổng đài 18001769 hàng chục nghìn cuộc gọi liên quan đến các chính sách về bảo trợ xã hội, tư vấn trị liệu trẻ em RNTTTK… Qua đó tuyên truyền cho người dân nhận biết RNTTTK cả ở người lớn và trẻ em để chủ động cho người thân tới khám khi có các biểu hiện nghi ngờ nhằm dự phòng và can thiệp sớm về RNTTTK.
Ông Đỗ Anh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm triển khai hiệu quả Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ rối loạn tâm trí, tự kỷ có thu phí”. Chúng tôi tiếp tục xin ý kiến các cấp lãnh đạo để duy trì Đề án, đồng thời nhân rộng ra các địa phương nhằm giúp trẻ RNTTTK được can thiệp sớm, đầy đủ, toàn diện và hỗ trợ được nhiều hơn đối tượng có nhu cầu trong tỉnh.
Việc tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTTTK có thu phí tại Trung tâm đã góp phần trợ giúp, kết nối, giải quyết vấn đề khó khăn mà trẻ RNTTTK và gia đình đang gặp phải. Các em được chăm sóc, điều trị tốt hơn, từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định và hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh, xã hội của tỉnh.
Lê Nam
- 'Bác sĩ thiên tài': Nghị lực phi thường của một bác sĩ tự kỷ
- Dấu hiệu ban đầu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ
- Vaccine Pfizer bảo vệ trẻ em chống lại biến chứng Covid-19 hiếm gặp
- Tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em
- Cục trẻ em kêu gọi tố cáo bạo hành, xâm hại trẻ em qua đường dây nóng 111
- Tặng 1.000 hộp sữa cho trẻ em nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Liên kết website
Ý kiến ()