Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:24 (GMT +7)
Đình Hưng Học và thân thế Thành hoàng Vũ Hoàng Đào
Thứ 4, 30/06/2021 | 16:25:45 [GMT +7] A A
Đình Hưng Học hiện nằm ở trung tâm khu Hưng Học, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên. Đình vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, trong niềm vui và tự hào của cán bộ và nhân dân địa phương.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Hưng Học được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Thuở ban đầu đình được dựng ở gần chùa Hưng Học, cách vị trí đình hiện nay khoảng 500m, đến năm 1841 mới chuyển về xây dựng ở vị trí hiện nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử, quá trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo, đình Hưng Học đến nay vẫn giữ được kiến trúc điêu khắc đình làng truyền thống, được thể hiện trên các cấu kiện gỗ, như các bức cốn, đầu dư, đầu bẩy được chạm kênh bong, chạm nổi. Các vì kèo gồm hai cột cái, hai cột quân, theo kiểu “thượng thu, hạ thách”, trên có câu đầu, giá chiêng bụng lợn, kẻ chuyền với các bức cốn và câu đầu đón mái, họa tiết chạm khắc hoa văn vân mây tiêu biểu cho điêu khắc đình làng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Theo thần tích, thần sắc ở đình, Thành hoàng được thờ ở đình Hưng Học người họ Vũ là cụ Vũ Hoàng Đào, người làng Hưng Học, khi chết hiển linh được vua phong sắc làm Thành hoàng, được dân làng suy tôn là Đệ tam Thần hoàng. Ngoài ra, dân làng Hưng Học còn xin xá lị của Huyền Quang - Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở chùa Côn Sơn (Hải Dương) về xây tháp mộ tại khuôn viên chùa Hưng Học và tạc tượng để thờ ở đình làng, xin vua phong sắc cho đức Huyền Quang làm Thành hoàng của làng.
Bản khai thần tích do Lý trưởng xã Hưng Học (tổng Hà Nam) là Hoàng Văn Đạm soạn năm 1938 cho biết cụ Vũ Hoàng Đào từng là Giám sinh Quốc Tử giám thời Lê. Sau khi mất, cụ được dân làng thờ phụng, được các triều đại phong kiến bao phong là Bản thổ Thành hoàng. Các sắc phong lưu giữ tại đình Hưng Học, gia phả họ Vũ; văn bia, câu đối, hoành phi, khoán ước, hương ước… còn lưu nhiều thông tin liên quan đến Thành hoàng Vũ Hoàng Đào. Qua đó cho biết, khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cụ Vũ Hoàng Đào đã tổ chức dân khẩn hoang lập nên làng Hưng Học. Sự nghiệp khai canh, khai cư của Thành hoàng Vũ Hoàng Đào được thể hiện rõ trong nội dung đôi câu đối hiện treo ở đình Hưng Học: Tiền nhân khai quận đức quang truyền vĩnh cửu/ Hậu thế tu bồi nhân nghĩa hưởng huy hoàng. Tạm dịch nghĩa: Tiền nhân mở quận ấp, đức sáng truyền vĩnh cửu/ Hậu thế đắp nền nhân nghĩa mãi huy hoàng.
Thực tế lịch sử đã chứng minh trong các thế kỷ trước, vùng biển Đông Bắc của Việt Nam thường xuyên bị nạn cướp biển. Không chỉ có công trong việc chiêu mộ nhân dân khẩn hoang lập làng, tổ chức cuộc sống cho nhân dân mà Tiên công Vũ Hoàng Đào đã cùng nhân dân làng Hưng Học còn góp phần cùng với nhân dân các làng xã lân cận gìn giữ an ninh, quốc phòng nơi biên viễn xa kinh đô Thăng Long. Trong nội dung khoán ước xã Hưng Học soạn năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) có đoạn viết: “… Sự nghiệp của các tiên công đã ngời sáng công trạng với dân với nước, với quốc gia dân tộc trong việc xây dựng mở mang bờ cõi, quai đê, lấn biển giữ gìn biển đảo Đông Bắc Tổ quốc bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, cùng với việc lấy sự đạo học dạy bảo dân cũng đủ khiến cho phong thuần, tục mỹ vậy…”.
Các nguồn tư liệu đã dẫn cho thấy Tiên công - Thành hoàng Vũ Hoàng Đào là danh nhân trong lịch sử, có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã tạo dựng lên vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên trù phú, phát triển như ngày nay.
Việc đình Hưng Học được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đã góp phần bổ sung, làm phong phú thêm các di tích ở phường Nam Hoà nói riêng, TX Quảng Yên nói chung. Bên cạnh đó, còn là niềm tự hào của người dân Hưng Học bởi Thành hoàng đình làng chính là tiên công mở đất lập làng ngày xưa. Đây cũng hứa hẹn trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với những du khách quan tâm, yêu thích tìm hiểu lịch sử truyền thống vùng đảo Hà Nam, Quảng Yên.
Ngô Đình Dũng (Phòng VH-TT TX Quảng Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()