Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 19:05 (GMT +7)
Đình, nghè, chùa Quế Lạt (Hoàng Quế, Đông Triều): Cần phục hồi giá trị văn hoá gốc của di tích
Thứ 7, 14/07/2012 | 05:12:38 [GMT +7] A A
Theo sách cổ viết về vùng đất này thì xã Hương Lạt, tổng Nội Hoàng (tên cũ của Quế Lạt) xưa kia đất đai cằn cỗi, bạc màu, nước mặn, đồng chua, ruộng đất phần nhiều bị bỏ hoang. Cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó nhưng không nản chí, nhiều gia đình vẫn quyết tâm bám trụ bền bỉ khai phá và cải tạo vùng đất này với khao khát biến nơi đây thành một vùng đất màu mỡ tốt tươi. Vì vậy, đồng ruộng ngày càng được mở rộng, làng xóm trở nên đông đúc. Để thờ cúng những người đã có công xây dựng làng xã, thờ cúng những danh nhân, hiền tài có công với đất nước, đồng thời cũng là nơi để dân làng hội họp bàn việc làng, xã nên người dân Quế Lạt đã xây dựng lên ngôi đình làng.
Vườn bia đình Quế Lạt. Ảnh: TL |
Theo lưu truyền và tài liệu văn bia còn để lại, đình được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17) với kết cấu đơn giản, mái lợp cỏ tranh, hệ thống vì kèo, cột gỗ được kê trên các tảng đá. Sau đó, đình được xây dựng lại với quy mô lớn hơn với kết cấu hình chữ Đinh, 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, sàn đình lát bằng gỗ ván xẻ theo các cấp, là nơi để phân biệt chỗ ngồi của các vị chức sắc trong làng. Đầu thế kỷ 20, đình lại được tu sửa, riêng bà Nguyễn Thị Liềm đã bỏ ra 35 quan tiền và 2 thửa ruộng đóng góp, nay còn bia đá ghi công. Đình thờ vị thần chính là Quý Minh (đây cũng là vị thần được thờ ở nghè Quế Lạt) cùng với 4 vị thần, thành hoàng khác cùng 4 vị hậu thần và 12 dòng họ trong làng. Nghè được xây dựng ở phía tây làng trên một gò đất cao, tương truyền có trước cả đình làng. Chùa thì theo lời kể của các cụ già trong thôn, chùa được xây dựng cùng thời với đình, thờ Phật, tam tổ Trúc Lâm và đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của người dân địa phương.
Một điểm đáng chú ý là, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và hoà bình lập lại, cụm di tích này đã chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Tại sân đình, các chiến sĩ của Đệ tứ chiến khu Đông Triều đã tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai của Nhật Pháp và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời địa phương; bàn bạc thực hiện diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, phát động Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng; bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp khoá đầu tiên... Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Quế Lạt được lấy làm trụ sở của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, nơi huấn luyện cán bộ ngắn ngày của các xã vùng phía đông huyện; nơi diễn ra nhiều hội nghị cán bộ Việt Minh của huyện. Người nữ du kích Bùi Thị Thừ thường trèo lên cây mít cạnh chùa canh gác cho cán bộ họp, trong một lần như thế, chị đã bị địch bắn và hy sinh ngay tại đây... Cuối những năm 40, phong trào kháng chiến tại xã bị khủng bố ác liệt, nhiều tổ chức đoàn thể bị tan vỡ nhưng riêng thôn Quế Lạt, cơ sở kháng chiến vẫn được giữ vững. Để đàn áp phong trào kháng chiến của người dân, địch đã tổ chức càn quét thôn, vây bắt 4 chiến sĩ cách mạng, trong đó có 3 người làng Quế Lạt và đem cả 4 người ra hành quyết tại nghè Quế Lạt ngày 9-9-1948. Sau này, cả 4 đồng chí đều được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ. Từ năm 1952 đến tháng 4-1954, tại đây đã diễn ra 7 trận đánh lớn nhỏ, ta tiêu diệt và bắt sống 71 tên địch, trong đó có 3 tên người Pháp, một tên là xếp bốt ác ôn bị giết ngay trong làng Quế Lạt; thu được nhiều vũ khí. Sau này, đây cũng là nơi tiễn đưa gần 100 người con của làng lên đường chống ngoại xâm, trong đó gần 30 người đã hy sinh...
Năm 1952, đình, nghè, chùa đều bị giặc Pháp đốt phá, nhiều đồ thờ tự quý bị lấy đi, bị đốt phá sạch. Sau này, khi hoà bình lập lại, nhân dân đã san gạt khu đất chùa làm sân kho hợp tác xã, một số văn bia bị san lấp xuống ao chùa. Mãi đến 1992 rồi năm 2004, lần lượt chùa, đình mới được phục hồi lại trên nền cũ. Lễ hội làng cũng được mở lại vào ngày 13, 14 tháng Giêng Âm lịch, trở thành sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh quan trọng với người dân trong vùng.
Sau những sóng gió lịch sử, hậu quả mà đình, nghè, chùa Quế Lạt gánh chịu rất nặng nề. Đình, chùa hiện đều là công trình tạm, hệ thống tượng pháp, đồ thờ tự đều mới. Đình giống nhà hội trường, không đúng với kiến trúc đình làng truyền thống. Đình từng có trên 20 tấm văn bia, nay chỉ còn lại 12 tấm đều làm bằng đá xanh nhưng chỉ còn 4 chiếc khá nguyên vẹn; cộng với 1 đế bia, một đỉnh hương thời Lê, 16 viên đá tảng kê chân cột và 6 viên đá làm bậc thềm. Với chùa thì ảnh hưởng còn nặng hơn, khi nơi đây trở thành phế tích thì hầu như tất cả di vật, cổ vật cũ đều không còn. Chùa mới hiện nay cũng đã xuống cấp, gỗ bị mối mọt, mái bị dột nát, tường bị nứt nẻ. Hệ thống tượng pháp mới của chùa được tạc bằng gỗ mít công phu, tỉ mỉ nhưng lối bài trí, sắp xếp chưa đúng...
Cụm di tích này vừa qua đã được thông qua hồ sơ xét xếp hạng di tích cấp tỉnh. Vì vậy, việc phục hồi các giá trị gốc của di tích thuận lợi hơn nhưng cũng cấp thiết hơn để tạo sự tôn nghiêm cho di tích. Theo đó, nghè cần được phục hồi lại. Với đình, cần xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống; chuyển đỉnh hương đá vào đình vì đây là một cổ vật quý, dễ bị đánh cắp; lưu giữ, bảo quản tốt những viên đá kê chân cột, đá phiến làm bậc thềm vì đây là cứ liệu lịch sử gốc khẳng định sự ra đời và tồn tại của ngôi đình qua hàng trăm năm, đồng thời chúng cũng giúp cho việc trùng tu đình đúng với nguyên gốc hơn. Chùa cũng cần tu bổ sớm; sắp xếp lại hệ thống tượng pháp theo đúng ngôi vị, đúng ban thờ; đồng thời khôi phục các ngôi tháp trên nền cũ và khảo cổ để tìm lại tấm bia lớn của chùa đang bị vùi lấp dưới lòng đất. Cùng với đó, các hoạt động tại chùa cũng cần có sự chỉnh lý cho phù hợp, đảm bảo việc hành lễ tại đây theo đúng chính pháp của đạo Phật...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()