Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:27 (GMT +7)
Đình Trà Cổ: Điểm đến ấn tượng trong hành trình du lịch Móng Cái
Thứ 7, 05/08/2023 | 10:13:22 [GMT +7] A A
Đình Trà Cổ thuộc địa phận khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (TP Móng Cái), là một trong những ngôi đình có nguồn gốc và đặc điểm của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung nét đặc trưng riêng của nền văn hóa Việt, góp phần hình thành nên cộng đồng làng xã.
Lịch sử đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng của di tích, đình Trà Cổ được xây dựng từ thế kỷ XV. Quá trình hình thành và tồn tại của đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay.
Theo truyền thuyết mà người dân địa phương lưu lại thì vào thời Hậu Lê, người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (thuộc TP Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (thuộc vùng biển Trà Cổ - Móng Cái). Trong một lần sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, 6 gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. 6 gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới. Ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang.
Ban đầu chỉ là 6 ngôi nhà đơn sơ mọc lên, dần dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Cũng như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại đình là các thần Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch. Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.
Trải qua những thăng trầm của thời gian và những dấu ấn lịch sử văn hoá được ghi đậm nét đến nay, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó, lần trùng tu gần nhất là vào năm 2012, ngôi đình hiện nay được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1.000m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 chái bái đường và 3 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn thời bấy giờ. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong… Hằng năm, từ ngày 30/5 - 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn TP Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi” (lợn) độc đáo.
Với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, năm 1974, đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trong quy hoạch về định hướng phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP Móng Cái, Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với tiềm năng là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Bãi biển Trà Cổ được ghi nhận là bãi biển trữ tình nhất Việt Nam; cùng với đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, Nhà bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ năm 1961, mũi Sa Vĩ… đã tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hoá, đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ được lưu truyền qua hàng trăm năm lịch sử đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và Quốc tế.
Trần Tương
Liên kết website
Ý kiến ()