Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia), người sáng lập nhóm tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, đang tư vấn điều trị cho một vài F0 bị di chứng đỏ mắt. Một người đàn ông 38 tuổi sau mắc Covid-19, mắt vẫn còn bị đỏ hai bên kèm hơi đau nhức, kéo dài nhiều ngày, song thị lực không bị ảnh hưởng nhiều. Anh lo lắng vì hiếm thấy tình trạng này, "không biết có nguy hiểm hay không, có phải xông gừng xả hay can thiệp gì không?", bệnh nhân hỏi bác sĩ.
Bác sĩ cho biết mắt bị đỏ là do các mạch máu trong mắt sưng to và giãn ra, biểu hiện của tình trạng bệnh lý nhãn khoa hay hệ thống. Tình trạng này có thể lành tính hoặc nghiêm trọng tùy thuộc vào những triệu chứng đi kèm như giảm thị lực, đau nhức mắt, cộm chói mắt...
Khoảng 11% người mắc Covid-19 có các triệu chứng đỏ mắt, thường gặp nhất là viêm kết mạc, chiếm 89%. Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, đôi khi do một số tác nhân kích ứng, có thể dễ dàng điều trị và tránh được. Bệnh nhân có triệu chứng đỏ mắt biểu hiện các phần màu trắng của mắt trở thành màu hồng hoặc đỏ, không gây khó chịu hoặc mắt có thể bị đau, cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và nhiều rỉ mắt.
Khi mắc Covid-19, sự lây truyền nCoV qua lớp phim nước mắt có thể tồn tại, thậm chí sau khi người bệnh đã khỏi, dẫn đến di chứng đỏ mắt hậu Covid. Các nghiên cứu thế giới báo cáo điều này ngay từ đầu xuất hiện dịch. Một bệnh nhân nữ 65 tuổi du lịch từ Vũ Hán đến Italy vào tháng 1/2020, nhập viện với triệu chứng ho, đau họng và viêm kết mạc cả hai mắt. Các triệu chứng ở mắt người này đã hồi phục sau 20 ngày, các nhà nghiên cứu vẫn còn tìm thấy các phân tử RNA virus ở ngày thứ 27.
Trong một số trường hợp, dấu hiệu đỏ mắt không đơn thuần là viêm kết mạc mà là một số tình trạng nguy hiểm hơn, như viêm màng bồ đào trước (một tình trạng viêm phần trước nhãn cầu), liên quan đến bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống đa cơ quan. Ngoài ra, Covid-19 có thể ảnh hưởng lên võng mạc và hắc mạc (phần phía sau nhãn cầu) thông qua tình trạng thiếu máu, viêm mạch, tổn hại tế bào nội mô mạch máu võng mạc, dẫn đến tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc, nặng hơn là tắc động mạch võng mạc, gây mù không hồi phục.
Bệnh nhân Covid-19 có thể có tình trạng viêm thần kinh thị do virus xâm nhập trực tiếp vào thần kinh mắt hoặc do cơn bão cytokine, biểu hiện mất thị lực, liếc mắt thì cảm thấy đau, khám thấy phản xạ ánh sáng bất thường và phù gai thị. Bên cạnh đó, nếu thiếu máu tổn hại một phần võng mạc có thể gây nên triệu chứng mất một vùng nhìn, bệnh nhân không thể thấy rõ một vùng thị trường. Các triệu chứng khác có thể có ở phía sau nhãn cầu bao gồm thoái hóa võng mạc, viêm màng bồ đào sau, tổn thương đa ổ trên võng mạc.
Bởi vậy, nếu bị đỏ mắt kèm các dấu hiệu bất thường cần phải có sự đánh giá của bác sĩ chuyên khoa mắt. Để phòng tránh di chứng đỏ mắt hậu Covid-19, ngay từ khi mắc bệnh nên chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý Nacl 0.9% (loại 10 ml) để nhỏ mắt. Nước muối sinh lý có tác dụng rửa trôi virus và các yếu tố gây viêm khỏi bề mặt nhãn cầu, giúp sự hồi lưu nước mắt và hồi phục nhanh hơn trong các trường hợp đau đỏ mắt.
Các loại thuốc khác dùng để điều trị đau mắt đỏ khi mắc Covid-19 cần tham vấn bác sĩ, không nên tự ý nhỏ thuốc, tra thuốc, xông hơi. Thời điểm và liều lượng sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc tra mắt kháng sinh, kháng viêm rất quan trọng, vì nếu sử dụng không đúng có thể khiến bệnh năng lên hoặc kéo dài hơn, hoặc có các tác dụng phụ khác không mong muốn (khô mắt, tăng nhãn áp, mù mắt).
Bên cạnh đó, bồi bổ tổng trạng, uống đủ nước, uống thêm các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi tình trạng Covid-19 đỡ hơn, triệu chứng ở mắt cũng sẽ đỡ một phần. Cần khám bác sĩ chuyên khoa sớm nếu mắt cảm thấy mờ đi hoặc đau nhức mắt.
Ý kiến ()