Tất cả chuyên mục

Kéo dài thời gian hàng tháng, ngoài hát hay phải học vũ đạo giỏi và diễn kịch cũng xuất sắc… các bé Đồ Rê Mí khiến người lớn cũng phải bất ngờ vì sự xuất sắc vượt trội đó. Nhưng, ở một sân chơi cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, sự bài bản và chuyên nghiệp quá trên sân khấu có phải là đòi hỏi quá sức với các em.
Đồ Rê Mí – cuộc thi Idol của măng non
Sự hấp dẫn, sức quảng bá và tôn vinh những giọng ca nhí thật sự là thành công không thể phủ nhận của Đồ Rê Mí 5 năm qua. Cuộc thi Đồ Rê Mí giành cho các em nhỏ được ví như một cuộc thi Idol của giới măng non. Được tổ chức bài bản, chọn lọc từ nhiều vùng miền trên toàn quốc với những vòng sơ loại khá gắt gao bởi một ban giám khảo có chuyên môn, Đồ Rê Mí gần đây đạt tới bước chuyên nghiệp cho một cuộc thi hát với sự hậu thuẫn lớn của sóng VTV.
![]() |
Với một xã hội ngồn ngộn những thú vui giải trí cho trẻ nhỏ, thì việc có một cuộc thi hát giành cho các em, được đầu tư bài bản và quy mô như Đồ Rê Mí may ra mới hấp dẫn được các giọng ca nhí. Các em được đào tạo cả về thanh nhạc, vũ đạo, tập kịch, thậm chí còn có một ekip riêng để thiết kế trang phục, làm nhạc, thu thanh cho các em.
Đặc biệt, sự hồn nhiên của các em nhỏ trong một thi có giá trị giải thưởng lớn như Đồ Rê Mí mới là đáng qúy. Ở những cuộc thi như thế này, tính cạnh tranh dường như biến mất hoàn toàn vì các em sống rất thật trong mọi cảm xúc của mình, dù ở đời thường hay trên sân khấu nhận giải.
Nhiều em nhỏ, trưởng thành từ đây và cũng dần hé mở những con đường theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Giải nhất Đồ Rê Mí năm 2010, Nguyệt Ánh là con nhà nòi – bố làm nhạc công cũng xác định sẽ đi theo ca hát. Đồ Rê Mí 2007 Hiền An cũng có thiên hướng nghệ thuật khi khá đắt sô với vai trò làm MC, ca hát.
Co không được, kéo không xong
Trải qua các vòng sơ loại, 12 em bé xuất sắc bước vào thi đấu chính thức trên sân khấu chính với chừng khoảng 4 đêm diễn để loại 6 bé và khoảng 4 đêm diễn nữa để tìm ra những gương mặt xuất sắc cho từng giải thưởng. Cộng với các đêm diễn công bố hay gala, thì Đồ Rê Mí năm nay có tới 13 show ghi hình. So với Sao mai, hay Sao mai điểm hẹn, Đồ Rê Mí chẳng hề kém cạnh cả về phần ghi hình và lên sóng VTV.
Với chừng ấy tuần diễn trên sân khấu, cộng với khá nhiều thời gian cho tập luyện cả luyện thanh, vũ đạo, diễn kịch... dường như là một thử thách hơi quá sức với các em. Chưa kể, những em nhỏ Đồ Rê Mí, hầu như chưa được học về thanh nhạc, vũ đạo, có em còn chưa biết đọc. Trong khi đó, các em còn phải vượt qua thử thách giọng hát với tiếng nước ngoài, hát phong cách rock hay unplug.
Sự kéo dài thời gian không chỉ ảnh hưởng đến chuyện học tập của các em nhỏ, mà còn là nỗi phiền hà với các bậc phụ huynh khi mỗi Đồ Rê Mí đều phải có phụ huynh đi kèm trong suốt quá trình thi thố. Và trong 13 show ghi hình, cũng chỉ có đêm chung kết mới có thể làm được trực tiếp vì đương nhiên, các em nhỏ sẽ không thể góp sức làm ra một chương trình “suôn sẻ". Vì thế, việc hát lip với các em nhỏ Đồ Rê Mí là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu – dù chuyện này đang bị phê phán rất nhiều.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là, dù thời gian kéo dài hàng tháng trời, nhưng trong số 13 show này, mỗi em nhỏ cũng chỉ được hát đơn có 4 bài để thi thố chính thức, may ra mới vừa đủ để ban giám khảo và khán giả cảm nhận rõ rệt về giọng hát.
![]() |
Một thành viên của đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết, chặng đường dài lên sóng của Đồ Rê Mí là chuyện tất lẽ, bởi vì nếu rút ngắn thời gian đi, thì buộc số lượng các em vào chung kết cũng sẽ giảm. Điều đó sẽ làm cho sân chơi bớt hấp dẫn hơn. Còn với số lượng 12 em được chọn vào chung kết như hiện nay, phải tới 13 show mới vừa đủ cho các em thi tài.
Không đặt những mục đích quá vĩ mô, lớn lao vào tay các em nhỏ từ sau cuộc thi này vì Đồ Rê Mí không phải là một chu trình kín để khai thác, đào tạo sao nhí, nhưng có thể khẳng định, những em nhỏ lớn lên nhiều từ sau khi tham gia Đồ Rê Mí. Và Đồ Rê Mí là một sân chơi thú vị, bổ ích vào dịp hè cho các em nhỏ được tiếp cận với âm nhạc, với sân khấu và được học nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Các em tự tin hơn, chững chạc hơn và có được sự hé mở một tương lai cho sự nghiệp nếu xác định theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Dù khoảng cách đến các cuộc thi hát sau này như Sao Mai hay Idol còn rất xa, hàng chục năm, nhưng từ bây giờ, các em nhỏ cũng đã trở thành những khách mời quen thuộc của các chương trình như Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê, Trò chơi âm nhạc, hay tham gia ghi hình các chương trình gala phát sóng vào dịp Tết.
Theo Vnmedia
Ý kiến (0)