Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:31 (GMT +7)
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Luôn nêu cao trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân
Thứ 6, 21/05/2021 | 10:40:16 [GMT +7] A A
Khẳng định vai trò đại diện của nhân dân Vùng mỏ trên nghị trường Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Góp chung vào thành công của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân Quảng Ninh, thay mặt nhân dân trong tỉnh thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Trong các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn luôn tham gia tích cực, trách nhiệm vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động tại nghị trường. Các ĐBQH trong Đoàn đã chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia ý kiến sâu sắc vào nhiều nội dung của kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 294 lượt ĐBQH tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên họp thảo luận ở tổ và hội trường. Nhiều ý kiến được Quốc hội đánh giá cao, được tiếp thu chỉnh sửa vào luật, góp phần tháo gỡ những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh khoá XIV, cho biết: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động, đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Điển hình như trong công tác xây dựng luật, trong nhiệm kỳ, Đoàn đã tổ chức 76 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật; nghiên cứu, tổng hợp trên 200 lượt ý kiến gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan...
Cùng với việc tham gia xây dựng luật, các ĐBQH có nhiều lượt ý kiến phát biểu tham gia sâu sắc, kiến nghị nhiều giải pháp và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của đất nước, tài chính - ngân sách nhà nước; nhân sự cao cấp của Nhà nước; các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, khoa học công nghệ với phát triển kinh tế, an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và chính sách cơ bản về đối ngoại; cải cách thể chế và cải cách hành chính; cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng của quốc gia... Các ĐBQH trong Đoàn tham gia nhiều hội nghị, hội thảo do Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan soạn thảo luật tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật... và các chương trình hoạt động khác của các ủy ban của Quốc hội tổ chức.
Đặc biệt, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn - điểm nhấn quan trọng của kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH thể hiện rõ phong thái, bản lĩnh, trí tuệ của ĐBQH, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri, nhân dân Quảng Ninh nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Đoàn đã thực hiện 25 lượt chất vấn trực tiếp tại kỳ họp và 19 lượt gửi phiếu chất vấn bằng văn bản với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng, trưởng ngành. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bất cập, vướng mắc, được cử tri và nhân dân quan tâm như: Khó khăn vướng mắc của ngành Than trong sản xuất và tiêu thụ; về giải pháp xử lý các dự án thua lỗ kéo dài; về chi tiêu ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công, xử lý nợ xấu; giải pháp lộ trình thực hiện hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án giao thông và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); việc đầu tư xây dựng các tuyến kè sông biên giới; thực trạng và giải pháp xử lý tồn đọng lượng lớn phế liệu nhập khẩu ở một số cảng biển tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; việc xử lý rác thải nhựa; việc đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão và hậu cần nghề cá Cô Tô; việc chậm tiến độ nhiều năm của dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long; giải pháp phát triển du lịch Việt Nam...
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, ĐBQH chuyên trách tham dự các phiên họp, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Các nội dung chất vấn của các vị ĐBQH trong Đoàn đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, trả lời trực tiếp và trả lời bằng văn bản, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm.
Hành động vì lợi ích của nhân dân
Quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh và từng đại biểu luôn đổi mới hoạt động, nỗ lực nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác. Đoàn ĐBQH Quảng Ninh quan tâm tuyên truyền, phổ biến, góp phần giúp đưa các Luật, Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống; chú trọng hoạt động giám sát, tập trung vào các nội dung quan trọng, được cử tri quan tâm như đầu tư, khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững...
Đặc biệt, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn ĐBQH tỉnh được quan tâm đổi mới, có sự phối hợp chặt chẽ với ủy ban MTTQ tỉnh và chính quyền địa phương để đảm bảo thực chất, hiệu quả, được cử tri đồng tình, đánh giá cao, giúp ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội củng cố niềm tin giữa cử tri với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và chính quyền các cấp trên địa bàn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự các cuộc TXCT của ĐBQH để trả lời, giải đáp và tiếp thu ngay các kiến nghị liên quan của cử tri. Nhiều ĐBQH đã thực hiện TXCT tại các xã, thôn bản địa bàn vùng khó khăn, hải đảo, miền núi, biên giới; tăng cường tiếp xúc trực tiếp với người dân, người lao động; tăng cường TXCT nơi cư trú, nơi công tác; tổ chức nhiều cuộc TXCT chuyên đề như: tiếp xúc với công nhân ngành than, với các doanh nghiệp, với đồng bào dân tộc, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; TXCT chuyên đề về kinh tế, giáo dục, ngân hàng; TXCT với cử tri huyện Vân Đồn lắng nghe ý kiến cử tri về chủ trương thành lập Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt... Trong nhiệm kỳ này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 237 cuộc TXCT tại 14/14 địa phương trong tỉnh trong đó có 227 cuộc TXCT định kỳ và 10 cuộc TXCT chuyên đề, với 49.385 lượt cử tri tham dự, 1.236 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến.
Qua các cuộc TXCT, Đoàn đã tổng hợp 292 nhóm kiến nghị gửi ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương; tổng hợp 248 nhóm kiến nghị gửi tỉnh. Đến nay, 100% kiến nghị gửi tỉnh đã được xem xét trả lời giải quyết, trong đó 93 kiến nghị đã được giải quyết xong (trong đó có một số kiến nghị của cử tri về cơ chế, chính sách đã được trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua, ban hành thực hiện), 103 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, 42 kiến nghị đã được tỉnh chỉ đạo giải quyết và coi là nhiệm vụ thường xuyên. Nhiều nội dung giải quyết kiến nghị kịp thời của tỉnh đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cử tri Nhân dân như: Một số cơ sở y tế được nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, thu hút và đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Đa khoa khu vực cẩm Phả, một số Trung tâm Y tế; khởi công xây dựng Bệnh viện Lão khoa. Nâng cấp tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân như: đầu tư cầu treo Nà Làng; cải tạo nâng cấp tuyến đường liên xã Nà Làng “ Khe Và (Bình Liêu), tuyến đường Bình Liêu - Húc Động, tuyến đường xuyên đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (Móng Cái), tuyến đường Bằng Cả (Hạ Long) - Vàng Danh (TP Uông Bí)...
Trong công tác giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát theo Chương trình của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, đồng thời chủ động giám sát những vấn đề gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tích cực tham gia giám sát tối cao tại các Kỳ họp Quốc hội. Các biện pháp giám sát được thực hiện linh hoạt, kết hợp giám sát thực tế với trao đổi, nắm bắt thông tin, phân tích báo cáo của các cơ quan liên quan và nghiên cứu sâu các quy định pháp luật. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ rõ kết quả đạt được và tổng hợp 208 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn bất cập, không phù hợp thực tiễn. Đồng thời, kiến nghị với tỉnh 127 nhóm kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, pháp luật Nhà nước tại địa phương.
Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và nhân dân vừa là động lực, vừa là nguồn động viên to lớn để Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()