Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:24 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào các dự án luật
Thứ 3, 18/06/2024 | 18:57:18 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 18/6, trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Cho ý kiến vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng luật cần được xây dựng chặt chẽ, để phát huy giá trị đích thực của di sản. Trong đó, đại biểu đề nghị tại khoản 5, điều 8, đối với các hành vi bị nghiêm cấm, quy định “Công nhận trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa không đúng với quy định của pháp luật”, cần thêm cụm từ “và các giá trị lịch sử tự nhiên”. Đại biểu cho rằng hiện nay có nhiều địa phương lập hồ sơ khoa học công nhận di tích nhưng chưa đánh giá đảm bảo các yếu tố khoa học liên ngành, chưa đánh giá sự phát triển của giá trị di sản qua các thời kỳ.
Tại điểm a, khoản 1, điều 22 quy định “Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương trong quá trình dựng nước và giữ nước”, đại biểu đề nghị thêm cụm từ “đã được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ khoa học, hoặc trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật”. Điều 24, cần thêm nội dung quy định về nguyên tắc lập, quản lý hồ sơ khoa học của di tích.
Cùng cho ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị việc phân cấp thẩm quyền quản lý vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới và di tích Quốc gia giao về thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Đại biểu lấy ví dụ hiện nay, các dự án trên địa bàn TP Hạ Long nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không triển khai thực hiện được do vướng mắc về nhiều quy trình thủ tục. Trong đó có nhiều công trình như: nhà ở, trường học, trụ sở đơn vị… Đại biểu đề nghị luật cũng cần thêm nội dung về di sản thiên nhiên để đảm bảo sự bao phủ toàn diện trong công tác quản lý.
Tại điều 25, đối với hoạt động trong khu vực bảo vệ 2, đại biểu đề nghị bổ sung khu vực trong hoặc liền kề với các khu vực đã được đưa vào các dự án trong quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt. Đối với khoản 1 điều 28, đại biểu đề nghị bổ sung các dự án đã được khoanh định và đưa vào quy hoạch cấp quốc gia cũng được nằm trong nhóm thực hiện triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình nằm ngoài di tích.
Cho ý kiến vào nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị đối với quy định về đăng ký lưu hành thuốc, cần xem xét, lưu ý với các thông tư, quy định hiện hành như Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, trong đó quy định bỏ thủ tục đăng ký lưu hành thuốc.
Bổ sung các nội dung vào dự thảo luật này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khoá XV, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị việc mở rộng thẩm quyền cho đơn vị đầu tư nước ngoài được phân phối thuốc tại Việt Nam, trong công tác quản lý phải có sự đánh giá cụ thể và quy định chặt chẽ. Ngoài ra đối với việc quy định lưu hành thuốc, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động và quy định rõ đối với loại thuốc nào cần giảm thủ tục hành chính trong lưu hành thuốc. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương về xử lý thuốc không đảm bảo chất lượng loại 2, loại 3, cần xem xét về điều kiện cơ sở vật chất kiểm định thuốc một cách cụ thể.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()