Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:10 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Thứ 4, 30/10/2013 | 09:54:43 [GMT +7] A A
Sáng ngày 29-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật công chứng (sửa đổi); Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về thẩm tra dự án Luật công chứng (sửa đổi); về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV).
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý xây dựng Luật BV&KDTV |
Góp ý tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, về hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV, quy định của dự thảo luật tại Điều 9: “Hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ quy định về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV” là “tùy biến”, không có định hướng, khuôn khổ để Chính phủ thực hiện (Vì địa phương có nhiều cấp: tỉnh, huyện, xã). Quốc hội không thực hiện được quyền và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật (Vì sau luật chỉ còn các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và các bộ, ngành); cũng không phù hợp với xu hướng khắc phục dần tình trạng luật khung, luật ống hiện nay để luật sớm đi vào cuộc sống. Theo đại biểu, nên giữ như dự thảo luật trình kỳ họp 5 là Hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV được tổ chức từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giao Chính phủ quy định cụ thể, chỉ bỏ Mục 2 quy định về cán bộ ở cấp xã vì Nghị định số 92/2009 đã quy định 01 công chức ở cấp xã theo dõi về 4 lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp; ngoài ra còn lực lượng nhân viên chuyên môn, kỹ thuật hợp đồng và cộng tác viên làm công tác khuyến nông, khuyến ngư hợp đồng. Việc không quy định lực lượng chuyên trách về BV&KDTV ở cấp xã sẽ không làm tăng biên chế mà công tác BV&KDTV vẫn có thể được thực hiện tốt, phù hợp với thực tế, yêu cầu của địa phương thông qua việc tổ chức, huy động lực lượng không chuyên trách một cách hợp lý thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh.
Về nguyên tắc hoạt động BV&KDTV, đại biểu cho rằng tại Mục 1, Điều 4 nêu nguyên tắc “Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật; bảo đảm thuận lợi hóa thương mại và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” là còn thiếu và chưa thống nhất so với các quy định khác trong dự thảo luật như: Chưa đề cập đến sinh vật gây hại thực vật (Điều 3, Mục 2), đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ (Điều 3, Mục 3). Đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hoạt động BV&KDTV là kết luận nhanh chóng, chính xác sinh vật gây hại thực vật, đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ, để từ đó đề ra các biện pháp phòng, chống, xử lý có hiệu quả.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, tại khoản e, Mục 2, Điều 7 quy định “nội dung hướng dẫn, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cấp giấy chứng nhận tập huấn xông hơi khử trùng” có nội dung thiếu tính bao quát, có nội dung lại trùng vào quy định đã được bao quát ở khoản a và khoản g. Do vậy, đề nghị bỏ khoản e, và sửa khoản i thành “Tổ chức hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về BV&KDTV”.
Về phí, lệ phí trong lĩnh vực BV&KDTV (Điều 12), dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động BV&KDTV phải trả phí, lệ phí theo như dự thảo luật là không hợp lý, vì hoạt động BV&KDTV là rất rộng, bao gồm cả các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về BV&KDTV. Đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, khoản a, Mục 2, Điều 47 quy định nghĩa vụ của chủ vật thể: “...chịu trách nhiệm bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi bị tạm giữ...” dễ dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất với Điều 60, Mục 3 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 “Mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm giữ gây ra do cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ chi trả”. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa cho chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất giữa các luật.
Về bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật (tại Khoản c, Mục 1, Điều 71), đề nghị bổ sung và sửa lại như sau: “Đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng hoặc tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng”.
Đại biểu Trần Văn Minh cũng tham gia một số ý kiến về kỹ thuật lập pháp, đề nghị rà soát, chỉnh sửa các lỗi về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm chặt chẽ, đúng, đủ nội dung của dự thảo luật.
Theo QNP
Liên kết website
Ý kiến ()