Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:05 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Hội trường
Thứ 5, 31/10/2013 | 15:56:20 [GMT +7] A A
Chiều ngày 30-10-2013, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi). Tham gia phát biểu, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh có đại biểu Trần Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập Đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.
Đại biểu Trần Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập Đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phát biểu. |
Đại biểu đồng tình cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH về dự thảo “Luật đấu thầu”. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo luật, đại biểu tham gia một số vấn đề sau:
Về phạm vi điều chỉnh Luật ghi tại Điều 1, đại biểu cho rằng, trong thực tế, ngoài lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, còn có trường hợp lựa chọn nhà thầu khai thác, vận hành công trình, nhà đầu tư vận hành các dự án tại các doanh nghiệp nhà nước, vì vậy đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa trường hợp này vào Điều 1. Liên quan đến Điều 4 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung hoặc chỉnh sửa việc giải thích một số cụm từ: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đơn vị mua sắm tập trung, lắp đặt thiết bị trong công trình, các từ ngữ khác được hiểu theo quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan còn có hiệu lực...Đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa cụm từ “trường hợp bất khả kháng” nêu tại điểm a khoản 6 Điều 65 về nguyên tắc điều chỉnh hơp đồng.
Theo đó, đại biểu tham gia vào một số điều cụ thể của dự thảo Luật, tại Điều 6 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu nhận thấy với các quy định độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính thì việc đấu thầu trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều vướng vì thế đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm 1 mục với tiêu đề: “Tổ chức đấu thầu trong Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” trong chương 2 của Luật để cụ thể hóa cơ chế đấu thầu có tính đặc thù trong phạm vi và phù hợp với mô hình tổ chức, nguyên tắc và cơ chế hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo tinh thần: đảm bảo sao cho phát huy được các lợi thế, sức mạnh của nhau, tiềm năng sẵn có trong nội bộ… được tạo ra bởi sự liên kết của các đơn vị thành viên trong mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty như mục tiêu đã đề ra khi thành lập và theo quy định tại mục a khoản 5 điều 18 nghị định 101/2009/NĐ-CP 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý Tập đoàn kinh tế nhà nước “Công ty mẹ, công ty con của công ty mẹ được thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hoá mà hàng hoá đó là đầu ra của doanh nghiệp này nhưng là đầu vào của doanh nghiệp khác trong tập đoàn”.
Đối với Điều 66 về loại hơp đồng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hình thức hợp đồng Đối tác công-tư (PPP), hình thức này trong các luật hiện hành chưa đề cập, trong khi đó dự thảo Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư lại căn cứ vào Luật đấu thầu để giải thích, hướng dẫn là thiếu căn cứ, vì phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu chỉ là để điều chỉnh các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cũng liên quan đến vấn đề này, theo dự thảo của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn Nhà đầu tư theo đó hình thức “Đối tác công tư” sẽ không áp dụng đối với bên lựa chọn nhà đầu tư là doanh nghiệp, cụ thể: “Đầu tư theo hình thức “đối tác công - tư” (gọi tắt là “PPP”) là đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng được pháp luật nhà nước bảo đảm thực hiện giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đại diện cho khu vực nhà nước và một bên là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập đại diện cho khu vực tư nhân. Theo đó, khu vực nhà nước thực hiện phần tham gia của nhà nước trong dự án, khu vực tư nhân phát triển công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công thuộc trách nhiệm cung cấp của Nhà nước, trên cơ sở phân bổ hợp lý về rủi ro trong quá trình thực hiện dự án; khu vực tư nhân được hưởng lợi nhuận hợp lý từ việc kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công thông qua các nguồn thu hợp pháp của dự án”. Đồng thời, khi phân tích Điều 72 về trách nhiệm của chủ đầu tư, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn cơ quan, tổ chức thẩm định thực hiện thẩm định hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()