Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:03 (GMT +7)
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại Bình Liêu
Thứ 2, 12/09/2022 | 17:55:38 [GMT +7] A A
Trong chương trình giám sát về thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016 - 2021 tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 12/9, Đoàn Giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Bình Liêu. Cùng làm việc có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016 - 2021 tại tỉnh Quảng Ninh, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.
Huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu của tỉnh… Nổi bật là thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và Đề án 196 giai đoạn 2017 - 2020 trước 1 năm so với kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tốc độ phát triển kinh tế tăng ổn định trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện nâng lên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm. Các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh; triển khai hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; hoạt động đối ngoại có bước phát triển mới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế và những khó khăn, huyện Bình Liêu kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cơ chế, chính sách về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số; quan tâm bố trí nguồn lực để xây dựng hệ thống kè biên giới để đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016 - 2021 tại địa phương.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Bình Liêu trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, đồng chí cũngđề nghị địa phương tập trung tập trung làm rõ một số nội dung như: Việc tác động của các chính sách đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nguồn ngân sách cho hoạt động của các xã biên giới; vấn đề giảm nghèo và tính bền vững, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, công tác cử tuyển, cơ chế khoán, bảo vệ rừng và quản lý của địa phương đối với diện tích rừng do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 bàn giao về địa phương; kế hoạch, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người dân di dân biên giới và một số nội dung liên quan đến phát triển y tế, giáo dục và chính sách cán bộ… trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn đã đi giám sát thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân thôn Bắc Cương, thôn Nà Sa, xã Hoành Mô và làm việc với xã Hoành Mô về việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn xã.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()