Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:24 (GMT +7)
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam
Thứ 3, 12/11/2024 | 10:12:19 [GMT +7] A A
Theo thông tin từ EuroCham, hơn 69% doanh nghiệp châu Âu nhận định lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Việt Nam đang có sức hút với các doanh nghiệp châu Âu
Theo bà Hoàng Tri Mai - thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): EuroCham vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2024. Kết quả cho thấy, trước các thách thức ngoại sinh từ cơn bão Yagi gần đây cũng như những biến động kinh tế toàn cầu, chỉ số BCI của Việt Nam vẫn tăng đáng kể, từ 45,1% trong quý III năm 2023 lên 52% trong quý III/2024, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh Việt Nam.
“Một trong những lý do chính cho sự cải thiện này là niềm tin mạnh mẽ vào khả năng của Việt Nam trong việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và thúc đẩy các sáng kiến xanh, đặc biệt với cam kết về năng lượng tái tạo và Thỏa thuận Mua điện trực tiếp (DPPA). Gần 40% doanh nghiệp đã hoặc kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ DPPA, cho thấy sự hứng khởi với những đổi mới chính sách của Việt Nam” – bà Hoàng Tri Mai khẳng định.
Cũng theo bà Hoàng Tri Mai: Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đầy biến động, việc Việt Nam đạt tăng trưởng 7,4% trong quý III/2024 được đánh giá là một thành tựu nổi bật. Những nỗ lực của Chính phủ trong ổn định lạm phát, hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện hạ tầng đã tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quốc tế.
Các sáng kiến như Quy hoạch điện VIII (PDP8) và DPPA được phê duyệt, cùng với sự cam kết của Việt Nam tại COP26 và quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đang định hình Việt Nam thành điểm đến đầu tư đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ cao và xanh.
Theo kết quả BCI quý III/2024, hơn 69% doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Dù phải đối mặt với những trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
“Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ” – bà Hoàng Tri Mai thông tin thêm.
Đại diện EuroCham cho rằng, 9 tháng năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài những giải pháp từ phía Chính phủ đề ra như cắt giảm chi phí logistics và cải thiện hạ tầng, Việt Nam có thể tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, giúp tạo nên một môi trường thuận lợi cho các lĩnh vực công nghệ cao và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Dù sau siêu bão Yagi có những khó khăn nhất định, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là phục hồi nhanh chóng. Chính phủ đã có các kế hoạch tái thiết và hỗ trợ các ngành chịu ảnh hưởng, đặc biệt là nông nghiệp và logistics, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% vào cuối năm 2024. Đây là những động lực cho Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có dòng vốn FDI từ châu Âu.
Vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ
Mặc dù đánh giá khá tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên, theo bà Hoàng Tri Mai, khảo sát BCI quý III/2024 cũng cho thấy 3 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu trong quá trình hoạt động tại Việt Nam là: Gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Theo thống kê, 66% doanh nghiệp hiện đang sử dụng từ 1% đến 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp thể hiện mong muốn khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế, nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam, bao gồm: Thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao, và hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực đào tạo.
Đối với các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết.
Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có tới 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ghi nhận những khó khăn liên quan đến các quy trình thuế và việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy... Theo đó, thời gian tới Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()