Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:09 (GMT +7)
Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Thứ 7, 12/10/2024 | 05:28:19 [GMT +7] A A
Quảng Ninh với lợi thế là mảnh đất giàu tiềm năng, đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và khẳng định chỗ đứng vững. Trên con đường phát triển, khó khăn luôn hiện hữu, song bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã biến những khó khăn thành cơ hội để phát triển khẳng định vị trí và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nắm cơ hội, vượt khó khăn
Để có được thành công ngày hôm nay, con đường sự nghiệp của chị Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đầy những gian nan, thử thách. Với mong muốn tạo cho Vịnh Hạ Long một sản phẩm du lịch riêng có, bằng nguồn lực của mình, chị Hương đã mời các chuyên gia Nhật Bản về hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai. Trên cơ sở kế thừa, áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tiên tiến từ các chuyên gia Nhật Bản, với sự cần cù, trí óc thông minh, bàn tay khéo léo cùng quyết tâm không ngừng, chị Hương cùng đội ngũ cán bộ, lao động của đơn vị đã xây dựng thành công quy trình sinh sản nhân tạo, thu thập và lai tạo các loài trai quý hiếm, có độ bọc ngọc nhanh, màu sắc đẹp phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để cho ra những sản phẩm ngọc trai đảm bảo chất lượng. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng nên sở hữu nhiều điểm nổi trội. Năm 2021, Công ty Ngọc trai Hạ Long là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm, gồm: Ngọc trai Akoya, ngọc trai Tahiti, ngọc trai Southsea đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Không dừng lại ở phát triển sản phẩm, chị Hương còn tập trung đầu tư khu sản xuất, nuôi cấy và trưng bày sản phẩm giúp du khách trải nghiệm đầy đủ về quy trình từ cấy nhân, tạo ngọc đến chế tác ngọc trai thô thành ngọc trai tinh và mua sắm các sản phẩm từ ngọc trai tại Quảng Ninh.
Trên chặng đường tạo ra sản phẩm độc đáo cho Vịnh Hạ Long của chị Hương cũng phải đối mặt với muôn vàn gian nan không chỉ từ những ngày đầu, mà cả khi đã có những thành công nhất định. Trong vòng mấy năm gần đây, cũng như nhiều doanh nghiệp du lịch, chị Hương và Công ty liên tục phải đối mặt với những khó khăn lớn. Đặc biệt, dịch Covid-19 kéo dài cùng với các quy định khắt khe của công tác phòng, chống dịch khiến cho doanh nghiệp thiếu vắng dòng khách quốc tế. Khi bắt đầu khôi phục hoạt động, thì siêu bão Yagi lại ập đến, tàn phá trang trại nuôi trai trên Vịnh Hạ Long; 2 cửa hàng chế tác, trưng bày và bán các sản phẩm ngọc trai và cửa hàng Le Pearl của Công ty. Mặc dù thiệt hại lớn về nhiều mặt, thời gian khắc phục kéo dài, phải hao tốn nhiều tâm sức nhưng chị Hương cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên vẫn quyết tâm phục hồi, mở cửa trở lại, đón đoàn khách đầu tiên sau bão chỉ 5 ngày. Sau bão số 3 đến nay, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đã đón 711 đoàn với trên 10.000 lượt khách, trong đó 90% khách du lịch từ các nước châu Âu.
Còn anh Vũ Văn Lập, năm 2008 sau thời gian làm thuê, tích lũy kinh nghiệm, bôn ba tại nhiều địa phương, anh quyết định về quê hương TX Quảng Yên lập nghiệp. Ngày mới vào nghề, anh gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn còn hạn hẹp nên anh Lập phải tự mày mò tự tay làm tất cả từ tìm mối đến sản xuất. Anh tranh thủ mọi thời gian trong ngày để làm việc và đặt yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Có uy tín, xưởng nhôm kính của anh được nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng. Anh tiếp tục mở rộng đầu tư vào một số máy móc mở rộng cơ sở. Tuy nhiên, anh liên tục gặp phải những thất bại, buộc phải đóng cửa, tiếp tục phải đi làm thuê.
Không chịu bỏ cuộc, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2011, anh Lập quyết định một lần nữa khởi nghiệp, đồng thời, trở thành đơn vị đầu tiên tại TX Quảng Yên, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cửa cuốn, cửa tự động với số vốn 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ việc thất bại lần trước, anh Lập đã thận trọng từng bước, chịu khó tìm hiểu học hỏi từ kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm bán hàng, chăm sóc khách hàng, nắm bắt nhu cầu thị trường để đưa thêm các sản phẩm phù hợp kết hợp cùng sản phẩm chính là cửa cuốn, cửa tự động. Khi nhận thấy có đủ kinh nghiệm và năng lực, nắm bắt cơ hội, năm 2017 anh quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty CP Sản xuất Cơ khí và thương mại Hùng Cường. Từ cơ sở nhỏ lẻ nhưng đã đi đúng nhu cầu thị trường nên đến nay Công ty của anh Lập bước đầu thành công với doanh thu hằng năm trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10-20 lao động địa phương, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, anh Lập vinh dự được lọt tốp 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc...
Cùng với những điển hình trên, Quảng Ninh còn nhiều doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho tỉnh trong chặng đường xây dựng và phát triển, được ghi nhận, khen thưởng và biểu dương. Điển hình là các doanh nhân: Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc và Thiết kế nội thất Oma đạt tốp 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024; Lưu Công Thành, Giám đốc Công ty CP Thương mại Trung Thành vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào doanh nhân trẻ năm 2024; Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa HB đạt tài năng trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2024...
Song hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân
Những năm qua, Quảng Ninh có sự bứt phá vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.
Song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, thời gian qua tỉnh quan tâm định hướng, có nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025; UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026. UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2025. Các kế hoạch góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, kinh tế tập thể và HTX, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2030.
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành chương trình hành động số 41/CT-TU (ngày 27/6/2024) về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW (ngày 10/10/2023) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới với mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2024-2030, trung bình hằng năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP; khoảng 38% tổng việc làm trong nền kinh tế; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 10%; đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nghiệp trong tốp 500 doanh nghiệp theo Chương trình VNR 500...
Thời gian qua, chương trình Cà phê doanh nhân được các đơn vị, địa phương duy trì tổ chức hằng tháng. Các doanh nghiệp có thêm cơ hội trao đổi, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân. Cùng với đó, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh tổ chức hội nghị cấp tỉnh gặp gỡ trên 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe và giải quyết các kiến nghị; các sở, ban, ngành, tổ chức 34 hội nghị, đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về nguồn vốn, xuất nhập khẩu, đầu tư khu công nghiệp... Tỉnh tăng cường làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp để rà soát từng nội dung kiến nghị, nội dung trả lời của các sở, ban, ngành, địa phương, từ đó xác định rõ các bước giải quyết cũng như nhiệm vụ của cơ quan liên quan đối với từng kiến nghị.
Cơn bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh ngày 7/9 vừa qua có sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân, trong đó nhiều doanh nghiệp nuôi trồng trồng thủy sản, lâm, nông nghiệp, du lịch bị ảnh hưởng lớn. Nhằm giúp các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân sớm phục hồi sản xuất, HĐND tỉnh đã nhanh chóng tổ chức kỳ họp để thông qua một số chính sách khẩn cấp hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề của bão. Trong đó, Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 đã trở thành “trợ lực” kịp thời cho nhân dân. Hiện các chính sách đang triển khai đến các địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng. Cùng với đó, tỉnh dành nguồn lực khoảng 1.000 tỷ đồng thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3; cấp kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương với số tiền 180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSNN. Tỉnh còn thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngân hàng bàn giải pháp để xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi biển, chủ tàu du lịch… Với sự đồng hành của tỉnh, các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó, không ngừng đổi mới về tư duy, phương pháp, cách làm để tạo doanh thu. Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu kết nối, chia sẻ, đào tạo, hỗ trợ hội viên; phối hợp tổ chức thành công chuỗi sự kiện phát triển kinh tế tư nhân, triển lãm xúc tiến thương mại và đầu tư... Đặc biệt, sau bão số 3, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, với tinh thần và ý chí, khát vọng cống hiến, các doanh nghiệp quyết không lùi bước, nỗ lực đoàn kết, tìm kiếm các giải pháp đổi mới, cải thiện quy trình sản xuất, kết nối với nhau vượt qua thử thách; tiếp tục có nhiều đóng góp để tổ chức nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng...
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.342 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 11.669 doanh nghiệp đang hoạt động. Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 6 vùng Đồng bằng Sông Hồng về phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tỉnh có 3 doanh nghiệp tư nhân đứng trong tốp 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VR500) đó là: Công ty CP Tập đoàn Bim; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hạ Long; Công ty CP Bia và Nước giải khát Hạ Long.
Tại chương trình gặp mặt nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) do Hội Doanh nhân trẻ và Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Ninh đối với thành tựu trong phát triển KT-XH của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai theo hướng dẫn của Trung ương với mức tối đa và đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế hỗ trợ. Hội Doanh nghiệp trẻ và Câu Lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác tương trợ giữa các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện tốt chủ trương phát triển KT-XH, cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân, khởi nghiệp.
Nguyễn Huế - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()